Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 17/05/2024 11:27
(ĐCSVN) - Tham luận tại Hội thảo, các chuyên gia đều nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Kông… khiến cho miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hùng/SGGP) 

Tại TP Cần Thơ, Báo Sài gòn Giải phóng phối hợp với Ủy ban nhân dân TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu-Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Tham dự Hội thảo có các đại biểu: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ; Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Đại tá Trần Văn Ngạn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9; Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triểnĐồng bằng sông Cửu Long và 200 đại biểu là lãnh đạo thành phố Cần Thơ, đại diện các đơn vị tổ chức cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu của nhiều địa phương, đơn vị, trường đại học phía Nam.

Tham luận tại Hội thảo, các chuyên gia đều nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Kông… khiến cho miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng.

Thống kê cho thấy, cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500 ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn.

Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Sỹ, chuyên viên Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất một số giải pháp, như cần xây dựng chiến lược tổng thể, bảo vệ sử dụng bền vững các nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long; giảm tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm. Bởi sụt lún làm gia tăng tác động của nước biển dâng.

Ngoài ra, xây dựng hệ thống công trình trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô; hoàn thiện hệ thống đê bao ngăn mặn; chuyển đổi phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng các tuyến dân cư, nhà ở để chủ động hỗ trợ người dân trong các trường hợp cần thiết.

Tham dự Hội thảo trực tuyến từ Hà Lan, TS Sepehr Eslami, Trung tâm nghiên cứu về đồng bằng châu thổ (Deltares) nhấn mạnh, sẽ cần các giải pháp tổng hợp thay vì giải pháp đơn lẻ. Trong đó, liên kết vùng rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác cát. Bởi xói mòn đáy tác động rất lớn đến xâm nhập mặn. Hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng, đặc biệt là với Biển Hồ (Campuchia) trong việc điều tiết, quản lý nguồn nước.

Cùng quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh kiến nghị tiếp tục phát triển các công nghệ chế biến, tạo các sản phẩm cấp cao hơn, như thực phẩm, mỹ phẩm. Đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, khởi nghiệp các sản phẩm mới gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân để đủ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn; Xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn với các địa phương lân cận và đặc biệt TP Hồ Chí Minh.

Trình bày về định hướng các giải pháp thủy lợi, PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thủy lợi miền Nam khuyến nghị việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế xã hội.

Cụ thể, cần chú trọng xây dựng các công trình để trữ nước, như trữ trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi hiện nay có khả năng đạt 2,5-3 tỷ m3. Trữ nước trên ruộng (đối với lúa), trước thời điểm dự báo có đợt xâm nhập mặn, bơm nước lên ruộng ở mức tối đa khả năng cho phép của cây trồng. Trữ nước trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phân tán, nguồn nước khó khan trong mùa khô.

Theo GS-TS Ngô Đức Tuấn, Đại học Melbourne, Úc kiến nghị ngành chức năng cần phối hợp với các tỉnh và doanh nghiệp để tìm hiểu kỹ hiện trạng và nghiên cứu các giải pháp tìm nguồn cát thay thế từ: cát biển, phế thải xây dựng và các loại phế thải có thể tái sử dụng được khác. Nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ vật liệu mới để giảm phát thải, tăng tính chống chịu thiên tai. Công nghệ xây dựng mới giá thành thấp để xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nhận định những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt không chỉ ảnh hưởng tới vùng, mà còn ảnh hưởng đến cả quốc gia. Vì vậy, ngay lúc này cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực