|
Đề án 1 triệu ha lúa triển khai tại ĐBSCL là sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân |
ĐBSCL là “vựa lúa” của Việt Nam, những năm qua đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường được áp dụng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng cạnh tranh của lúa gạo. Tiêu biểu dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam thực hiện từ 2015 - 2022 do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án VnSAT có khoảng 180.000 ha lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa bền vững; các hộ nông dân tham gia các hợp tác xã khoảng 400 Hợp tác xã thực hiện quy trình canh tác bền vững trong Dự án có lợi nhuận tăng 30%, chi phí sản xuất giảm 30-40%, giảm khoảng 1,5 triệu tấn CO2/năm.
Tuy nhiên, trước xu thế tiêu dùng đang thay đổi, từng ngành hàng phải chuyển mình để thích ứng. Việc phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL; từ đó tạo thành vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với Hợp tác xã, doanh nghiệp.
Mục tiêu chung của đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính giảm trên 10%, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đề án được triển khai thực hiện tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long…
Đến năm 2025, về quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 ha. Đến năm 2030 về quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta.
Để triển khai hiệu quả Đề án, Mô hình thí điểm Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đang được các địa phương trong vùng tích cực triển khai thực hiện.
|
Phát triển nền nông nghiệp bền vững: hướng đi có trách nhiệm của Việt Nam |
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan triển khai các mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Qua đó, nhằm sớm có mô hình cụ thể giúp tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, phát thải thấp và từ đó cũng làm “điểm” để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả để nhân rộng mô hình, phát triển quy mô thực hiện những năm tiếp theo.
Từ vụ lúa hè thu 2024, Bộ NN & PTNT chọn 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL để thực hiện các mô hình thí điểm, gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh. Mỗi địa phương dự kiến thực hiện 1 mô hình thí điểm, với diện tích khoảng 50ha.
Tại hội nghị triển khai Mô hình thí điểm Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tổ chức ngày 2/5 tại TP Cần Thơ, đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các mô hình thí điểm. Đặc biệt, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, xác định chính xác địa điểm và diện tích thực hiện mô hình thí điểm để báo cáo cụ thể về Bộ NN&PTNT. Cục Trồng trọt và các đơn vị thuộc Bộ NN & PTNT cần phối hợp, triển khai ngay các hoạt động tập huấn, hỗ trợ về đầu tư phát triển thủy lợi và các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác lúa và cách thức, quy trình để đo đếm việc giảm phát thải khí nhà kính tại các mô hình thí điểm./.