Tỉnh Tiền Giang: Nhiều chính sách tác động mạnh mẽ đến sự phát triển nông nghiệp và giai cấp nông dân

Thứ ba, 05/11/2024 15:08
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chính sách quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển nông nghiệp và giai cấp nông dân.
Cấp trên đầu tư nâng cấp tuyến đường Tỉnh lộ 875B đoạn qua xã Hiệp Đức, huyện Lai Cậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hồng Linh) 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Phải xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp nông dân làm nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; quan tâm hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, vay vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng suất, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân...”. Đồng thời, để cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương, ngày 28/10/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình số 29- CTr/TU trong đó nhấn mạnh quan điểm: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn lực của tỉnh cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và xác định “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu”.

Những năm qua, Tiền Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, khơi dậy ý chí vươn lên của nông dân. Các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; về phân bổ kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, hỗ trợ cây giống đầu dòng, chính sách cắt vụ ở các huyện, thành phố phía Đông của tỉnh… là cơ sở để các cấp chính quyền tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các cấp cụ thể hóa, chỉ đạo hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ; hỗ trợ quy trình thực hành nông nghiệp tốt…Các sở, ngành, địa phương đã có sự quan tâm phát triển về giống, công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt thủy hải sản. Tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện, nước… phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực nông thôn. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai các dự án, mời gọi, thu hút nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản; hỗ trợ chính sách liên kết sản xuất cho nông dân.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân nên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. Sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng hoàn thiện; tỉ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao. Vốn kiến thức nông nghiệp của nông dân từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nông dân phát huy tốt vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành, nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng (năm 2023 toàn tỉnh có 124.718 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp); diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên.

Thời gian qua, nông dân tỉnh Tiền Giang đã có những đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, là chủ thể quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, là lực lượng lao động quan trọng trong cơ cấu lao động, tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua và đóng góp xứng đáng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phong trào nông dân sản xuất giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đông đảo nông dân đồng tình hưởng ứng, qua đó, có nhiều cá nhân nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là những điển hình tiêu biểu cho sự cần cù, chăm chỉ vượt khó, đây là những nhân tố tích cực lan tỏa, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nông dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và xây dựng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Kết cấu hạ tầng được huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư từng bước đồng bộ để sẵn sàng về đích huyện nông thôn mới. (Ảnh: Minh Thành) 

Bình quân hàng năm, có trên 170 ngàn lượt hộ nông dân đăng ký “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, trong đó có 70% đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Toàn tỉnh, có 53 Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, 156 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, với 3.784 thành viên và 1.124 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, với 11.198 thành viên.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai rộng rãi và được nông dân đồng tình hưởng ứng, có nhiều sản phẩm tạo nên thương hiệu có uy tín đối với người tiêu dùng; tỉnh hiện có 296 sản phẩm OCOP, 98 sản phẩm 4 sao và 198 sản phẩm 3 sao; nhiều sản phẩm tiêu biểu của địa phương có hợp đồng tiêu thụ lớn, doanh thu cao; có trên 5.800 nông dân được hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Nhiều nông dân nhận thức được tầm quan trọng của liên kết sản xuất và trở thành thành viên của các tổ hợp tác và hợp tác xã, hiện tỉnh có 196 hợp tác xã nông nghiệp với 46.484 thành viên. Việc hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất được Hội Nông dân các cấp chú trọng thực hiện, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh đến nay đạt trên 90 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương ủy thác là 14,851 tỷ đồng) đã giải ngân cho trên 9.000 hộ; nguồn vốn phối hợp với các ngân hàng thực hiện các chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 4.000 tỷ đồng.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “đến năm 2025, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 huyện đạt nông thôn mới. Có từ 20 - 30% xã nông thôn mới nâng cao và 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới”.

Đến nay, tỉnh có 138/138 xã nông thôn mới, trong đó 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 7/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở để đến năm 2025, tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới..

Trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Tiền Giang luôn thực hiện tốt việc phát huy dân chủ ở cơ sở, quán triệt quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Trong chuỗi nhận thức về thực hiện các quyền dân chủ, nông dân luôn được các cấp, các ngành thông tin, quán triệt từ chủ trương chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nông dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương; xây dựng các công trình dân sinh ở nông thôn; những ý kiến phản ánh, tâm tư nguyện vọng của nông dân cũng được tiếp thu, giải quyết kịp thời thông qua các buổi họp dân, tiếp dân, đối thoại, hộp thư góp ý của chính quyền địa phương với người dân. Chính vì vậy, ý thức về quyền làm chủ của người nông dân được nâng cao, nhất là trong tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các công trình dự án. Sự quan tâm của nông dân đối với xã hội và các hoạt động chính trị của đất nước được nâng cao hơn bằng tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết các vấn đề thời sự hiện nay. Đó chính là những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực