Trà Vinh đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 7.000 lao động nông thôn

Thứ hai, 17/06/2024 09:10
(ĐCSVN)- Năm 2024, tỉnh Trà Vinh sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 7.140 lao động nông thôn. Cụ thể, đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng cho 7.000 lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp cho 140 lao động.
 Lao động nông thôn làm việc tại cơ sở thủ công mỹ nghệ xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: TP)

UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2024.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; nghề về quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm thực hiện quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Năm 2024, tỉnh Trà Vinh sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 7.140 lao động nông thôn. Cụ thể, đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng cho 7.000 lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp cho 140 lao động.

Về định hướng nghề đào tạo, đào tạo các nghề để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam; đào tạo nghề Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp cho các hợp tác xã nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu “80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, đào tạo các ngành nghề phục vụ sản xuất của nông dân, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy hiệu quả sản xuất, chú trọng các ngành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, đào tạo các nghề mới như: dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề, định mức chi phí đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả để tổ chức nhân rộng. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực