|
Sản phẩm OCOP trưng bày tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản hợp tác xã tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: Mẫn Quân)
|
Hiện tỉnh Trà Vinh có 1 liên hiệp hợp tác xã, 168 hợp tác xã đang hoạt động với tổng vốn điều lệ trên 180 tỷ đồng; trong đó 125 hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2024, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu sẽ thành lập mới 10 hợp tác xã; trong đó, ưu tiên cho hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển.
Để hỗ trợ tối đa tạo sự phát triển cho các hợp tác xã, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nguồn vốn vay ưu đãi, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thủ tục thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng… để giúp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phát triển; có đủ điều kiện, lợi thế liên doanh, liên kết cùng các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Cụ thể, 5 hợp tác xã ở các huyện Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành được hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng. Tỉnh có 11 hợp tác xã đang được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã với tổng số tiền 6 tỷ đồng; 6 hợp tác xã được vay 1 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm Trung ương; 2 hợp tác xã được vay 1,35 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để mua máy móc phục vụ sản xuất…
Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ 132 hợp tác xã thu hút 189 cán bộ trẻ về làm việc, với tổng số tiền trên 7,6 tỷ đồng. Các chính sách thu hút lao động trẻ có trình độ từ cao đẳng trở lên vào làm việc tại hợp tác xã có thời hạn đã phát huy cao hiệu quả. Các cán bộ trẻ đã kịp thời tham mưu hợp tác xã xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động như: áp dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin vào các sàn giao dịch thương mại điện tử…
Riêng, với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh thực hiện hỗ trợ phát triển các mô hình hoạt động gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và chất lượng cao; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã với nông dân và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp. Chính quyền địa phương sẽ phối hợp làm cầu nối tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hợp tác xã được tiếp cận và tham gia vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, để tạo nguồn lực lao động chất lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
|
Với các HTX nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh thực hiện hỗ trợ phát triển các mô hình hoạt động gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn. (Ảnh minh họa: Đức Minh)
|
Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng các đơn vị liên quan trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức xúc tiến thương mại, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, quảng bá nhãn hiệu hàng hóa và tạo điều kiện cho hợp tác xã tham quan học tập kinh nghiệm với các hợp tác xã ngoài tỉnh trong tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh hiệu quả.Trà Vinh đang tập trung các giải pháp củng cố, phát triển hợp tác xã; trong đó, chú trọng việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động tín dụng, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, như hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại; tiếp cận vốn từ các nguồn vay ưu đãi; hỗ trợ nguồn nhân lực và chính sách phát triển cơ sở hạ tầng./.