Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024: Hành trình kết nối "Dòng chảy di sản"

Thứ tư, 30/10/2024 21:15
(ĐCSVN) - Tiếp nối thành công của hai kỳ Festival trước, Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 24/11 đến ngày 30/11/2024, tại thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, với chủ đề "Dòng chảy di sản". Qua đó, không chỉ tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô Hoa Lư, mà còn là cơ hội để kết nối, lan tỏa những giá trị di sản văn hóa quốc gia.
Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Ninh Bình năm 2022.  

Festival năm nay sẽ là bức tranh về hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, hành trình lập đô, dời đô, định đô của các bậc đế vương. Chương trình sẽ tái hiện những mốc son lịch sử, là những dấu ấn trọng đại trong ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam... Thông tin trên được Ban tổ chức Festival cho biết tại cuộc họp báo ngày 30/10 tại Hà Nội.

Festival Ninh Bình là sự kiện văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng và định vị thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ của tỉnh Ninh Bình, đồng thời quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người của tỉnh Ninh Bình và các vùng, miền trong cả nước đến với du khách trong nước và quốc tế. Thông qua việc tổ chức Festival Ninh Bình năm 2024 góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào về bề dày lịch sử và kho tàng di sản phong phú của vùng đất Cố đô Hoa Lư Ninh Bình; kích cầu du lịch; kết nối hành trình trải nghiệm của người dân, du khách thông qua các hoạt động trình diễn nghệ thuật, giải trí mới lạ, hấp dẫn, độc đáo với quy mô quốc tế, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương, vùng, miền…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình Trần Việt Phương cho biết: Festival Ninh Bình 2024 sẽ có 5 hoạt động đặc sắc: Chương trình Khai mạc Festival, Hội Quán "Dục Thúy Sơn", Chương trình nghệ thuật "Ninh Bình - Sao Mai hội tụ", Chương trình Lễ hội đường phố và Chương trình Bế mạc Festival.

Điểm nhấn của Festival là đêm khai mạc diễn ra vào 20h ngày 24/11/2024, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình. Chương trình được xây dựng như một "bộ phim dã sử cổ trang" sống động, kết hợp giữa âm nhạc, vũ kịch và điện ảnh trên sân khấu chuyển động 3D mapping. Nội dung sẽ tái hiện hành trình kết nối di sản với 3 điểm nhấn là ba kinh đô xưa: Hoa Lư, Thăng Long và Huế.

Đặc biệt, phần trang phục trong đêm khai mạc được đầu tư công phu, với sự tham gia của các chuyên gia cố vấn. Theo chia sẻ của cố vấn trang phục Nguyễn Đức Lộc và Phạm Thị Thu Hằng, các trang phục thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Thăng Long, Huế được nghiên cứu kỹ lưỡng và khảo cứu từ nhiều năm, đảm bảo giá trị văn hóa lịch sử đồng thời phù hợp với yếu tố sân khấu.

Ngoài ra, chương trình Lễ hội đường phố sẽ diễn ra trên đường Tràng An với chiều dài khoảng 1km, hứa hẹn tạo không gian tương tác trực tiếp giữa nghệ sĩ và khán giả. Ban Tổ chức đã có phương án đảm bảo an ninh, an toàn và phân luồng giao thông cho sự kiện này.

Theo ông Trần Việt Phương, đây là lần đầu tiên, chương trình nghệ thuật “Dòng chảy di sản” được xây dựng theo phong cách điện ảnh như một “bộ phim dã sử cổ trang” sống động được thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa kết hợp giữa âm nhạc, vũ kịch và điện ảnh với công nghệ trình diễn hiện đại, độc đáo trên một sân khấu chuyển động 3D mapping, để “giải mã” những câu chuyện huyền sử, dã sử và khơi mở những lớp trầm tích ẩn sâu dưới lòng đất về những giá trị tinh hoa rực rỡ của các cố đô xưa…

Một điểm mới của Festival năm nay là không gian Hội quán Dục Thúy Sơn sẽ chính thức ra mắt từ ngày 26-27/11 tại Công viên Núi Thúy, thành phố Ninh Bình. Theo đó, Công viên Núi Thúy sẽ được biến thành một không gian triển lãm thơ đương đại ngoài trời kết hợp với trải nghiệm thưởng trà, ngâm thơ, ngắm trăng và nghe nhạc cổ truyền theo phong cách dân gian.

Các đại biểu tại buổi họp báo. 

Ngoài ra, một số hoạt động đặc sắc như: Chương trình nghệ thuật Ninh Bình - Sao Mai hội tụ diễn ra lúc 20 giờ ngày 28/11/2024 tại Nhà hát Phạm Thị Trân (thành phố Ninh Bình) với sự tham gia của nhiều ca sỹ nổi tiếng bước ra từ cuộc thi Sao Mai những năm vừa qua; Chương trình Lễ hội đường phố diễn ra ngày 29/11 tại Cổng Tam quan, đường Tràng An (thành phố Ninh Bình) với các phần trình diễn trang phục, cổ phục truyền thống và biểu diễn nghệ thuật đường phố do các đoàn nghệ thuật của các địa phương trong và ngoài tỉnh Ninh Bình tham gia trình diễn. Chương trình còn quy tụ các làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương tham gia vào không gian chợ xưa nếp cũ, các trò chơi dân gian và các hoạt động trải nghiệm thú vị…

Đặc biệt, lần đầu tiên, một đại nhạc hội dân gian điện tử mang tên “Í A Fest” diễn ra vào 20 giờ ngày 30/11 tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham, tỉnh Ninh Bình. Đây sẽ là một “bữa tiệc” âm nhạc dân gian đương đại kết nối các thế hệ người yêu nhạc, là cuộc đối thoại giữa dân gian và đương đại, giữa quá khứ với tương lai, giữa di sản và thời đại, giữa không gian và thời gian…

Trong khuôn khổ sự kiện, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình còn phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng đáng chú ý khác như: Liên hoan âm nhạc toàn quốc năm 2024; đăng cai tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng lần thứ 26, năm 2024; đăng cai tổ chức Giải Quần vợt quốc tế ITF U18 - J30; Giải Cầu lông quốc tế “Vietnam International Challenge 2024"; Giải chạy Việt dã quốc tế Tràng An Marathon năm 2024; Triển lãm xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, thương mại, dịch vụ..., hứa hẹn mang đến cho du khách trong nước và quốc tế những trải nghiệm thú vị.

Festival Ninh Bình lần thứ III không chỉ là sự kiện văn hóa nghệ thuật đơn thuần, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, tỉnh đặt mục tiêu đón 7 triệu lượt khách trong năm 2024. Ban Tổ chức đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú, nhà hàng, đảm bảo chất lượng dịch vụ, góp phần xây dựng thương hiệu và giữ gìn hình ảnh Ninh Bình trong mắt du khách trong nước và quốc tế.

Festival Ninh Bình được kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu văn hóa đặc trưng của tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, với định hướng phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ và trung tâm văn hóa du lịch của quốc gia./.

 

TA

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực