Hà Nội: Quyết tâm cao độ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% năm 2024

Thứ ba, 25/06/2024 19:15
(ĐCSVN) - Trong 6 tháng cuối năm 2024, thành phố Hà Nội bám sát tinh thần chỉ đạo "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%. Theo đó, thành phố sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực...
Hà Nội quyết tâm cao độ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% năm 2024.

Nhiều điểm sáng” đáng ghi nhận

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen, TP Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất và đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng ước thực hiện đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 36.417 tỷ đồng, đạt 24,9% dự toán đầu năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023…

Mặc dù kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, song lĩnh vực xuất, nhập khẩu của thành phố phục hồi mạnh mẽ, tăng khá cao so với cùng kỳ và so với kế hoạch. Ước 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 8.663 triệu USD, tăng 8,8% (cùng kỳ giảm 2,7%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 11,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,8%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2024 đạt 15.977 triệu USD, tăng 11,5% (cùng kỳ giảm 14%). Ước 6 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 22.926 triệu USD, tăng 13,8% (cùng kỳ giảm 16,3%).

Vốn đầu tư phát triển xã hội cũng tăng khá, cao hơn mức tăng cùng kỳ: 6 tháng đầu năm ước đạt 208.784 tỷ đồng, tăng 9,55%. GRDP của thành phố 6 tháng đầu năm ước tăng 6% (cùng kỳ tăng 5,97%). Trong đó, dịch vụ tăng thấp hơn cùng kỳ, các ngành còn lại đều tăng cao hơn cùng kỳ, cụ thể: Dịch vụ tăng 6,55% (cùng kỳ tăng 7,54%); Công nghiệp và xây dựng tăng 5,37% (cùng kỳ tăng 3,28%); Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,94% (cùng kỳ tăng 2,24%); Thuế sản phẩm tăng 4,38% (cùng kỳ tăng 2,41%).

Năm 2024, Trung ương giao kế hoạch vốn cho TP Hà Nội là 81.033 tỷ đồng, cao hơn 1,72 lần so với năm 2023; đến ngày 15/6/2024, toàn thành phố giải ngân được 17.175 tỷ đồng, đạt 21,2% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 là 1.244 tỷ đồng và đứng thứ 2 cả nước về giá trị tuyệt đối sau Bộ Giao thông vận tải. Một số quận, huyện đạt kết quả giải ngân rất tốt, như: Đống Đa (92,6%), Ba Đình (85,5%); Hoàn Kiếm (57,2%), Gia Lâm (47%), Hoàng Mai (43,8%).

Một “điểm sáng” trong những tháng đầu năm là thành phố đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số gắn với xây dựng thành phố thông minh, hiện đại. Trong đó, thành phố đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn. Thành phố cũng đã triển khai thử nghiệm một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp, như: Ứng dụng công dân Thủ đô số (iHaNoi); Thẻ vé giao thông Hà Nội cho vận tải hành khách công cộng.

Đáng chú ý, thành phố đã đẩy nhanh công tác quy hoạch; xây dựng và phát triển hạ tầng, đô thị. Trong đó, đã đôn đốc đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) và tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; dự kiến hoàn thành dự án đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân vào cuối tháng 6-2024...

Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đạt trên 91%. Thành phố cũng tiếp tục duy trì và vận hành hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải đã được đưa vào hoạt động, và chuẩn bị đầu tư dự án các nhà máy xử lý nước thải: Kiến Hưng, Sơn Tây, Tây sông Nhuệ…

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế. Các cơ quan, đơn vị của thành phố đã thực hiện 580 cuộc kiểm tra công vụ (chủ yếu là kiểm tra đột xuất). Chỉ số SIPAS của thành phố đã tăng 9 bậc, Chỉ số PAR-Index năm 2023 giữ nguyên thứ hạng…

Du lịch tiếp tục tăng trưởng khá, khách du lịch quốc tế tăng cao. Nhiều sản phẩm tour đêm thu hút được đông đảo sự tham gia và đánh giá cao của du khách như: Đêm Thiêng Liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học", "Ngọc Sơn - đêm huyền bí", tour du lịch văn học "Chữ Tâm chữ Tài"...

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Du lịch đã khai trương 2 sản phẩm du lịch mới: tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức với chủ đề "Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội", điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì và tiếp tục nâng cấp các sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử. Hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển các tuyến: du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu…

Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại. Đó là số vụ tai nạn giao thông tăng ở cả 3 tiêu chí: Tăng 47,67% về số vụ, 12,36% về số người chết và 83,9% về số người bị thương. Tình hình cháy, nổ trên địa bàn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất, kinh doanh…

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố cũng tăng khá cao (5,31%), thách thức tăng trưởng bền vững và khả năng hoàn thành mục tiêu cả năm là kiểm soát dưới 4%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 18,6% - thấp hơn cùng kỳ (24,8%). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm bậc xếp hạng…

Trong 6 tháng cuối năm, bám sát tinh thần chỉ đạo "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, thành phố sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, cùng với việc bảo đảm ổn định và tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thành phố sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Song hành với việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường.

Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, triển khai hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Đáng chú ý, Thành phố sẽ tăng cường công tác trật tự an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ và các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; duy trì tốt công tác đối ngoại; tăng cường công tác thông tin, truyền thông; đẩy mạnh công tác dân vận nhằm tạo đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.../.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực