|
Quang cảnh phiên khai mạc sáng 9/12. |
Xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 Nghị quyết.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Kỳ họp thứ 20 HĐND TP là kỳ họp thường lệ cuối năm nhằm xem xét, ban hành một số quy định, cơ chế, chính sách để kịp thời cụ thể hoá Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và đất nước đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với nhiều nhiệm vụ rất quan trọng theo quan điểm, chủ trương của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Kỳ họp này dự kiến tổ chức trong 3 ngày rưỡi để xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 Nghị quyết.
Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm nên có khối lượng công việc lớn, rất nhiều nội dung quan trọng, vì vậy, Thường trực HĐND tiếp tục đổi mới chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, bố trí nhiều thời gian thảo luận tại các tổ và Hội trường; dành 1 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Về nội dung kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết: HĐND TP sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, đầu tư công năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, năm 2024, Thành phó dự kiến cơ bản hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế xã hội; tăng trưởng GRDP dự kiến tăng 6,52%; thu ngân sách ước đạt 492.309 tỷ đồng, đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Các ngành, lĩnh vực kinh tế tăng trưởng ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ…
Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND, Thường trực HĐND TP, ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ ngày 27/11/2024 vừa qua cho thấy TP còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Vì vậy, kỳ họp này, Chủ tịch HĐND đề nghị các vị đại biểu HĐND nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để tháo gỡ các ách tắc, điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và giai đoạn tiếp theo để xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, cùng đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Về triển khai thi hành Luật Thủ đô, tại kỳ họp này, HĐND tiếp tục xem xét 6 nội dung quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về hoạt động của Khu công nghệ cao Hoà Lạc; quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm; quy định điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường …
Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, đây là nhóm chính sách mới, quan trọng, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND Thành phố đã chỉ đạo các Ban của HĐND phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chuẩn bị nội dung và triển khai các bước thẩm tra đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức phản biện xã hội đối với một số nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, làm cơ sở để HĐND TP thảo luận và quyết định, bảo đảm hiệu lực thi hành cùng với Luật Thủ đô từ ngày 1/1/2025.
|
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Cũng tại kỳ họp này, HĐND xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, các cơ chế, chính sách để kịp thời đảm bảo công tác điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của TP, trong đó nhiều nội dung quan trọng như: Danh mục thu hồi đất, tổng biên chế hành chính sự nghiệp; thành lập thôn, tổ dân phố; giá dịch vụ khám chữa bệnh, phí thăm quan; thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công; các nội dung, mức chi trong các lĩnh vực công nghiệp, đối ngoại, tư pháp, giáo dục, đào tạo; hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công; mức hỗ trợ cho lực lượng thuộc Công an TP….
Tại kỳ họp, HĐND sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Cục Thi hành án dân sự Thành phố theo quy định của Luật; xem xét báo cáo, thông qua các Nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND.
HĐND TP Hà Nội cũng thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND Thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn với 2 nhóm vấn đề: Tái chất vấn về việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND đã đến thời hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng, nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Thành phố.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng đô thị
Báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: UBND TP Hà Nội đã nghiêm túc quán triệt và cụ thể hóa, triển khai kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Thành ủy và HĐND TP với phương châm "Nắm vững chủ trương, chính sách - Nắm chắc tình hình, thực tiễn - Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ" và "Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của trung ương và Thành phố".
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải thông tin tại kỳ họp. |
Trong đó, đã sớm ban hành Chương trình công tác với 303 chuyên đề, đề án thuộc phạm vi, thẩm quyền của UBND TP, Chủ tịch UBND TP. Đã ban hành Chương trình hành động với 05 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và 179 nhiệm vụ theo phương châm "5 rõ, 1 xuyên suốt".
Ttiếp tục đẩy mạnh đề án phân cấp ủy quyền đối với phân cấp trong 16 lĩnh vực và ủy quyền 653 thủ tục hành chính; làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, đảm bảo mỗi nhiệm vụ được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả và đúng thẩm quyền. Đặc biệt, ứng dụng iHanoi đã ra mắt, tích hợp nhiều tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp, với gần 17 triệu lượt truy cập. ứng dụng đã tiếp nhận gần 24 nghìn kiến nghị và xử lý kịp thời gần 20 nghìn, đạt tỷ lệ 83,1%. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền đối với nhân dân.Ngoài ra, thành phố tiếp tục tăng cường công tác giám sát và kiểm tra hành chính, tổ chức 26 cuộc kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm kỷ luật hành chính.
Thành phố đã chỉ đạo các ngành tập trung tham mưu và trình HĐND ban hành các cơ chế, chính sách để thể chế hóa Luật thủ đô (sửa đổi), sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Chú trọng triển khai đồng bộ quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành và chỉ đạo tập trung xây dựng các quy chế, quy trình và các quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức,.. tạo sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong quản lý và giải quyết công việc theo phương châm "3 quy đồng bộ".
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh, Thành phố cũng tích cực quan tâm lắng nghe và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua ứng dụng iHanoi. Với gần 17 triệu lượt truy cập, ứng dụng đã tiếp nhận gần 24 nghìn kiến nghị và xử lý kịp thời gần 20 nghìn, đạt tỷ lệ 83,1%. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền đối với Nhân dân.
Ngày 1/7/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có luật riêng với những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội. Thành phố tiếp tục triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", nhằm định hình tương lai phát triển bền vững, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và hội nhập sâu rộng.
Tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ TP, trong đó tập trung phát triển hạ tầng đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, xã hội và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân: vận hành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; hoàn thành mở rộng tuyến đường Âu Cơ – Nghi Tàm; khánh thành và đưa vào sử dụng Cung Thiếu nhi Hà Nội; hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viên Nhi Hà Nội – giai đoạn 1; vận hành thử nghiệm Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá;…
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với những bước đi cụ thể và hiệu quả: đã triển khai thí điểm Trung tâm Phục vụ Hành chính công, với mục tiêu: "phi địa giới hành chính, phi trung gian và phi vật chất", nhằm đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả phục vụ; trên 1.100 thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa và công khai minh bạch trên cổng giao tiếp điện tử.
Thành phố đã đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu chính, đóng vai trò quan trọng trong quản trị và điều hành thông minh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Chính quyền số. Thành phố cũng triển khai hiệu quả 19 nhiệm vụ của Đề án 06 và tiếp tục phối hợp thực hiện thêm 9 mô hình mới. Thành phố đã triển khai rà soát và xử lý 712 dự án nhằm hạn chế tình trạng lãng phí đất đai, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thành phố tập trung thực hiện các giải pháp thiết thực, bao gồm nghiên cứu bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch để cải thiện hệ thống dòng chảy, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng không khí, hướng tới xây dựng một môi trường sống trong lành cho người dân.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết: Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng chống lãng phí (ngày 20/11/2024). Ban Chỉ đạo này đã nhanh chóng đi vào hoạt động với 26 nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước đột phá trong việc kiểm soát, ngăn chặn lãng phí và sử dụng hiệu quả nguồn lực công.../.