Ninh Bình hướng tới đô thị di sản Thiên niên kỷ

Thứ năm, 20/06/2024 16:53
(ĐCSVN)- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khẳng định: Ninh Bình lựa chọn con đường phát triển là xây dựng Đô thị di sản Cố đô, thể hiện sức mạnh mềm, kết hợp giữa bảo vệ di sản và các nguồn lực văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị Di sản thế giới Tràng An là lợi thế căn bản, nguồn lực, động lực chủ yếu….
Quang cảnh Hội thảo. (Nguồn: Cổng TTĐT Ninh Bình) 

Ngày 20/6/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo “Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương”.

Tới dự có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các vị khách quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý,...

Hội thảo khoa học nhằm xác định rõ những quan điểm, định hướng chung, từ đó, thúc đẩy việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị để các đô thị di sản giữ được bản sắc, không xung đột với những giá trị của di sản cố đô trong quá trình hiện đại hóa. Đồng thời đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu khai mạc Hội Thảo. (Nguồn: Cổng TTĐT Ninh Bình) 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định: Hội thảo là cơ hội để Ban Tổ chức được lắng nghe những ý kiến chuyên sâu, khách quan, đa chiều cho định hướng quản lý và phát triển các thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO, kiến tạo thể chế, xác định hành động địa phương cho các thành phố di sản nói chung. Từ đó khơi mở ra cho các đô thị di sản ở Việt Nam những bước đi rõ ràng, vững chắc.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, tỉnh Ninh Bình mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học và quý vị đại biểu quan tâm, cho ý kiến làm rõ về một số nội dung trọng tâm như: Làm rõ những vấn đề lý luận về đô thị di sản, với xu hướng tôn trọng đa dạng hóa loại hình đô thị; xây dựng thương hiệu địa phương; phát triển du lịch, kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa, tăng trưởng xanh; nhận diện đặc trưng, cấu trúc, chức năng của đô thị di sản và kinh tế di sản; Định hướng phát triển và những giải pháp để quản lý, phát triển đô thị di sản nói chung và tại Ninh Bình nói riêng, tập trung phát huy các giá trị độc đáo, tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng hình mẫu kết hợp giữa bảo tồn, phục dựng và phát triển kinh tế di sản, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đồng thời có kiến nghị cơ chế, chính sách phát triển đô thị di sản...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: Cổng TTĐT Ninh Bình)

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết: Sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, công tác nghiên cứu, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện trên tất cả các mặt như nghiên cứu khoa học, củng cố bộ máy tổ chức, tuyên truyền và phổ biến giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng và thực thi các cơ chế, kế hoạch quản lý, đầu tư nguồn lực để bảo vệ di sản. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ Di sản thế giới Tràng An vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu giải quyết trong thời gian tới. Do đó, Hội thảo khoa học "Quản lý và phát triển thành phố Di sản cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương" sẽ là cơ hội tốt để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý không chỉ của Việt Nam mà còn cả cộng đồng quốc tế cho công tác bảo tồn, quản lý Di sản UNESCO vì mục tiêu kết nối các thành phố sở hữu Di sản thế giới ở Việt Nam với các thành phố Di sản.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: Cổng TTĐT Ninh Bình)

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời khẳng định: Ninh Bình lựa chọn con đường phát triển là xây dựng Đô thị di sản Cố đô, thể hiện sức mạnh mềm, kết hợp giữa bảo vệ di sản và các nguồn lực văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị Di sản thế giới Tràng An là lợi thế căn bản, nguồn lực, động lực chủ yếu. Điều này không chỉ phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn thể hiện trách nhiệm của Ninh Bình cũng như Việt Nam trong việc bảo tồn các giá trị di sản; đồng thời khơi thông nguồn lực từ tài nguyên di sản phục vụ phát triển kinh tế, tạo sức hút, sức cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.

Việc UNESCO công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đồng nghĩa với việc trao cho Ninh Bình một "tấm vé thông hành" để kết nối với các đô thị sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới nhưng yêu cầu đặt ra cũng hết sức nghiêm ngặt. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển chúng ta tránh xây dựng "đô thị nén, đô thị bê tông". Nếu chúng ta lựa chọn cách thức phát triển không đúng, phát triển nóng, lấn át sẽ dễ dẫn đến nguy cơ thôn tính một đô thị có lịch sử hàng ngàn năm tuổi.

Đặc biệt, trong phân loại đô thị được xác định tại Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng đã nêu: Hà Nội là đô thị trung tâm "siêu đô thị" thì xung quanh đó cần tổ chức hệ thống đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng, đô thị đối ngẫu. Ninh Bình với lợi thế về vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa hoàn toàn có thể xây dựng một đô thị đối ngẫu, bổ sung, bồi đắp những thiếu hụt của "siêu đô thị" dựa trên giá trị về cảnh quan, sinh thái, môi trường, trong đó lấy du lịch, dịch vụ, văn hóa làm trọng tâm phát triển kinh tế; lấy kinh tế di sản làm trụ cột.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, Ninh Bình bây giờ đang đảm đương 1 sứ mệnh thay mặt cả nước gìn giữ di sản của nhân loại, thế thì các điều chỉnh về tiêu chí đô thị, cách thức định hướng giúp cho Ninh Bình cơ chế để làm sứ mệnh này, và tỉnh đã áp dụng Nghị quyết 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng chí Đoàn Minh Huấn cho rằng cần có một quan niệm về đô thị di sản riêng của Việt Nam, theo yêu cầu khách quan từ thực tiễn, để tối đa hóa lợi ích quốc gia, dân tộc, phản ánh được tính đa dạng của các đô thị di sản. Về phương diện pháp lý, cần sớm điều chỉnh, bổ sung thêm tiêu chí cho đô thị di sản, tránh việc hiện nay chỉ có tiêu chí chung, đơn nhất cho đô thị mà thiếu cách nhìn đa dạng về đô thị theo chức năng, trong đó có chức năng di sản khi xây dựng tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực