Hiện nay, Quảng Ninh có 21 thành phần dân tộc thiểu số với hơn 162.000 người. Trong đó, có 5 thành phần dân tộc sống tập trung thành cộng đồng làng bản, gồm: Dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay (gồm Cao Lan và Sán Chỉ), Hoa.
Sự đa dạng về dân tộc đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú cho tỉnh Quảng Ninh. Mỗi dân tộc thiểu số đều có những nét văn hóa độc đáo riêng, thể hiện qua trang phục, ẩm thực, nhà cửa, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội,...
Quảng Ninh còn là một vùng đất giàu có về di sản văn hóa phi vật thể với hơn 2.800 hồ sơ. Có 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền; là hàng loạt di sản khác nhau, bao gồm: Ngữ văn dân gian (gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm âm nhạc, múa hát, sân khấu); tập quán xã hội (gồm luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác);…
Nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (triển khai năm 2024-2025). Theo đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số như: Lễ hội đình Lục Nà huyện Bình Liêu, lễ hội truyền thống đền Cửa Ông, lễ hội đình Cẩm Hải, lễ hội đình Cộng Hòa, lễ hội Bàn Vương gắn với phát triển du lịch.
|
Nghi lễ nhảy lửa trong Lễ hội Bàn Vương.(Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Cùng với đó, xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; Xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Cụ thể, nghiên cứu, bảo tồn, tổ chức chương trình diễn Then nghi lễ của người Tày tỉnh Quảng Ninh; Tổ chức lễ hội Cầu May Bản Dao xã Quảng Đức, huyện Hải Hà; Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân, huyện Vân Đồn,…
Trong năm 2024 - 2025, tỉnh cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng nhà trưng bày không gian văn hóa đồng bào dân tộc Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí). Lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch đối với những điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với với điểm du lịch đã được công nhận và những điểm du lịch chưa được công nhận nhưng có tiềm năng phát triển kinh tế địa phương mà chưa có biển chỉ dẫn du lịch. Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số.
|
Thi đẩy gậy tại Ngày hội văn hóa dân tộc Dao tổ chức tại xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa tiêu biểu, xúc tiến du lịch, khảo sát tiềm năng, lựa chọn các sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào dân tộc Sán Dìu, dân tộc Dao tại Cộng Hòa, xã Dương Huy, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả; Chợ phiên Văn hóa vùng Cao xã Lương Mông.
Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực quan trọng đầu tư, xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với những dấu ấn đặc sắc. Qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.
Việc tổ chức các lễ hội trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch không chỉ tạo không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Đây được coi là hướng đi để phát triển du lịch bền vững cho các địa phương miền núi, hải đảo của tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa từ chính giá trị văn hóa của họ, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao hơn ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại./.