Tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm, đẩy nhanh tiến độ dự án nước sạch nông thôn

Thứ sáu, 17/05/2024 15:11
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều góp ý, kiến nghị với thành phố Hà Nội liên quan đến các vấn đề bức thiết, dân sinh như: Vấn đề nước sạch sinh hoạt, bảo đảm thu nhập cho công nhân môi trường; giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán cho doanh nghiệp vệ sinh môi trường; cần tuyên truyền, phổ biến để người tiêu dùng tăng cường sử dụng túi nylon tự hủy, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; đẩy nhanh tiến độ dự án nước sạch nông thôn....
Quang cảnh buổi làm việc. 

Sáng 17/5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết: 4 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố là 191.028 tỷ đồng, đạt 46,8% dự toán (tăng 2,6% so với cùng kỳ); tổng chi ngân sách địa phương thành phố là 27.964 tỷ đồng, đạt 19,1% dự toán (tăng 13,4% so với cùng kỳ).

Cùng với đó, vốn đầu tư xã hội, tín dụng ngân hàng tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư xã hội quý I/2024 đạt 86.550 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 4/2024, thành phố Hà Nội thu hút 176,8 triệu USD vốn FDI. Lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị chuyển biến tích cực; công tác phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Trong đó, tập trung công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đảm bảo đẩy nhanh các thủ tục để tăng tốc triển khai dự án.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến của cử tri về những vấn đề dư luận quan tâm. Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, điều quan trọng là tập trung sửa đổi thể chế để giải quyết gốc rễ của tham nhũng; phải có hệ thống, thể chế quản trị minh bạch, an toàn để người dân, doanh nghiệp yên tâm, từ đó ngăn chặn cán bộ, công chức vi phạm. 

Đáng chú ý, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều góp ý, kiến nghị với thành phố Hà Nội liên quan đến các vấn đề bức thiết, dân sinh như: Vấn đề nước sạch sinh hoạt, bảo đảm thu nhập cho công nhân môi trường; giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán cho doanh nghiệp vệ sinh môi trường; cần tuyên truyền, phổ biến để người tiêu dùng tăng cường sử dụng túi nylon tự hủy, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và có chế tài thực hiện để đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường....

Về một số nội dung Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nêu trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tiếp thu, đồng thời trao đổi sâu vấn đề liên quan lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố nhận diện đầy đủ về ô nhiễm không khí, nước, xử lý chất thải rắn cũng như chất lượng môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, vành đai xanh của Thủ đô. Hiện, thành phố đang nghiên cứu mô hình xanh, mục tiêu tạo đô thị hiện đại, xanh, thông minh, kiến tạo giá trị xây dựng môi trường.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường thiết lập đề án để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường; trong đó nêu rõ mối liên hệ của Hà Nội với 10 tỉnh, thành phố trong vùng về phát thải phương tiện giao thông, bụi mịn. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập đề án kiến tạo lại môi trường nước của các con sông bị ô nhiễm trầm trọng như Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét... Đến nay, đề án cơ bản hoàn thành. Thành phố đang chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy nước thải Yên Xá, đến năm 2025 đưa sẽ vào vận hành. 

Với vấn đề nước sạch nông thôn, chỉ tiêu năm 2025, thành phố cơ bản cung cấp đủ nước sạch. Tuy nhiên, thực tế đã có nguồn nước sạch và mạng cấp nước nhưng người dân không mặn mà, vì liên quan thói quen, kinh phí… Vì vậy cần tuyên truyền, vận động, có cơ chế để giải quyết vấn đề này. Về định mức đơn giá thu gom rác thải trên địa bàn, thành phố cũng đang giao các sở, ngành chuyên môn tham mưu xây dựng định mức...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội  TP Hà Nội kết luận buổi làm việc. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng với thành phố Hà Nội khi xem xét thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hai quy hoạch lớn của Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi của các đại biểu; nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức song Hà Nội đã cố gắng, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tốt.

Về vấn đề môi trường, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, nhiệm kỳ này, thành phố dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề môi trường; trong đó trọng tâm là triển khai Dự án Nhà máy nước thải Yên Xá; làm “sống” lại các con sông Tích, sông Đáy; xây dựng trạm bơm Liên Mạc; xây dựng Nhà máy điện rác thải Seraphin; các dự án nước sạch nông thôn... 

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy tới đây của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của thành phố tiếp tục nghiên cứu các nội dung dự kiến kỳ họp xem xét, thông qua; UBND thành phố tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc...

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nghe báo cáo về kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XV; báo cáo công tác kiểm sát, tòa án; các nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tình hình triển khai và nội dung đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; kết quả hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong 4 tháng đầu năm 2024./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực