Tính đến 9/2024, Hà Nội đã hoàn thành 8/15 mục tiêu chuyển đổi số

Thứ sáu, 11/10/2024 17:58
(ĐCSVN) – Tính đến tháng 9/2024, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030, đã có 8/15 mục tiêu hoàn thành, trong đó có 7 mục tiêu hoàn thành vượt mức; 7/15 mục tiêu đang tiếp tục triển khai thực hiện, trong đó, 1 mục tiêu chưa có hướng dẫn về cách tính và thống kê từ các bộ, ngành.
Lãnh đạo Thành phố và các đơn vị thực hiện nghi lễ phát động lễ ra quân chiến dịch “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng phát triển Kinh tế số - Xã hội số”. 

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, 2 năm qua, thành phố đã đạt được những kết quả về chuyển đổi số rõ rệt, cụ thể: Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tăng 19 bậc, trong đó riêng năm 2022 đã tăng đột phá 16 bậc so với năm 2021 (đánh giá và công bố năm 2023).

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông năm 2022 (Báo cáo Vietnam ICT Index) được công bố vào tháng 10-2023, Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam. Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử. Ngoài ra, về chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Hà Nội xếp hạng 5 trong số các nơi có lập trình viên giỏi nhất thế giới theo đánh giá của Pentalog.

Về hoàn thiện cơ chế chính sách, UBND TP đã ban hành các văn bản, triển khai nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trong đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn TP Hà Nội. Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 07/2003/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Về phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin, Thành phố đã và đang đầu tư, xây dựng, hoàn thiện, phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng số đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sẵn sàng cho các mục tiêu chuyển đổi số, như: đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu chính; tiếp tục duy trì mạng diện rộng của Thành phố (mạng WAN). Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP) đã kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành, trong đó, có chức năng Single Sign On (SSO), chức năng đăng nhập một lần vào các hệ thống thông tin của Thành phố.

Về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội tiếp tục sử dụng hiệu quả các hệ thống hạ tầng thông tin quan trọng, có tính chất nền tảng cốt lỗi của thành phố. Ngày 28/6/2024, tiếp tục đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh. Tiếp tục duy trì và vận hành các ứng dụng, dịch vụ như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố, Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng…

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu, cấp xã chưa có quy định vị trí việc làm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số (thực hiện kiêm nhiệm công tác chuyển đổi số); biên chế của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin hằng năm bị cắt giảm một cách cơ học theo lộ trình cắt giảm biên chế dẫn tới việc triển khai chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ chuyên môn tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện, trong khi khối lượng công việc về chuyển đổi số, công nghệ thông tin ngày càng nhiều, mức độ phức tạp và yêu cầu ngày càng cao.

Hạ tầng kỹ thuật của một số đơn vị còn chưa đồng bộ: Mạng nội bộ hoạt động không ổn định, hay bị treo, đứt cáp; một số máy tính cá nhân có cấu hình thấp, không đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công.

Một số hệ thống thông tin dùng chung của thành phố đã được triển khai trên toàn thành phố, tuy nhiên, đôi khi hoạt động chưa ổn định, còn một số lỗi phát sinh: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (chưa cập nhật đầy đủ quy trình giải quyết thủ tục hành chính chung của thành phố). Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chưa bảo đảm tiến độ (đất đai, xây dựng…); các hệ thống thông tin của các bộ, ngành triển khai hiện nay vẫn còn phát sinh nhiều lỗi, đôi lúc gián đoạn không đáp ứng được giao dịch giữa người dân với cơ quan chức năng. Đồng thời, việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu số còn nhiều rào cản dẫn đến công chức tại bộ phận "một cửa" các cấp phải thao tác trên nhiều hệ thống khác nhau.

Thành phố đề ra một số nội dung trọng tâm cần tập trung thực hiện, bao gồm: Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố phiên bản 3.0; ban hành và tổ chức triển khai đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; hoàn thành một số nhiệm vụ về hạ tầng phục vụ triển khai chính quyền số…/.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực