|
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngày 28/10, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với các sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND TP Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng
Qua làm việc cụ thể với các đơn vị, Đoàn giám sát ghi nhận, thời gian qua, các sở đã tham mưu cho thành phố ban hành các nghị quyết, kế hoạch, phương án, văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cụ thể, các sở cũng đã triển khai, đánh giá và đạt được các kết quả tích cực theo các chỉ tiêu, giải pháp, biện pháp được TP giao. Sở Giao thông Vận tải triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến quản lý, điều hành giao thông vận tải của thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn...
Đáng chú ý, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã hoàn thành 85/100 chỉ tiêu về quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và hoàn thành 11/19 nhiệm vụ được thành phố giao. Đặc biệt, Sở đã hoàn thành thẩm định, trình và được UBND TP phê duyệt 13/13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện, bao gồm các huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Mê Linh, Quốc Oai, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì...
Theo Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND TP, Sở Xây dựng được giao theo dõi nhóm chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật đô thị và nhóm chỉ tiêu về phát triển đô thị, nhà ở. Kết quả thực hiện từ 2021 đến nay theo cho thấy, tỉ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực đô thị đạt 100%. Đến hết tháng 8/2024, tỉ lệ khu vực nông thôn được tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng trên 91%. Hiện nay còn 113/413 xã đang được các nhà đầu tư triển khai, dự kiến đến năm 2025 có 100% hộ dân được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra...
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch Cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025 (cải tạo 45 công viên, vườn hoa và xây dựng 6 công viên mới). Đến nay đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 6 công viên; hoàn thành đưa vào sử dụng 15 vườn hoa. Đến năm 2025 dự kiến hoàn thành nốt 14 công viên, vườn hoa đạt khoảng 93% kế hoạch...
Đề xuất các phương án, giải pháp khắc phục
Trao đổi tại buổi làm việc, bên cạnh ghi nhận những kết quả trên, thành viên đoàn giám sát cũng cho rằng, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Trong đó, Sở Xây dựng chậm hoàn thành các dự án cấp nước sạch theo quy hoạch dẫn đến việc cung cấp nước cho khu vực nông thôn gặp khó khăn. Việc thoát nước và xử lý nước thải gặp khó khăn, còn nhiều điểm ngập úng, đặc biệt khu vực phía Tây thành phố.
Phương tiện công cộng truyền thống như xe buýt không tiếp cận được nhiều tệp khách hàng, thời gian đợi xe và di chuyển bị kéo dài đặc biệt trong khung giờ cao điểm, biểu đồ vận hành xe chưa bảo đảm. Công tác phục vụ vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân.
|
Các đại biểu trao đổi tại buổi làm việc. |
Các dự án nhà ở thương mại được đầu tư xây dựng nhanh hơn tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị (đường giao thông, trường học, công viên...) dẫn đến dân số tập trung gây quá tải về hạ tầng, đặc biệt khu vực các quận. Công tác cải tạo chung cư cũ còn chậm, do còn nội dung văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chưa rõ, khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất cụ thể thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất các dự án, giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm, chưa đạt tiến độ theo kế hoạch.
Việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý rác thải, nước thải chưa đạt tiến độ đề ra; việc xử lý ô nhiễm nước các sông: Kim Ngưu, Tô Lịch, Lừ, Sét, Nhuệ, sông Đáy chưa đáp ứng yêu cầu; việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn...
Từ những thực tế đó, thành viên đoàn giám sát đề nghị các sở làm rõ một số nội dung: Chỉ rõ khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn là do cơ chế chưa hợp lý hay nội dung quy định khiến nhà đầu tư chưa thiết tha; các sở đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Một số địa bàn đã là đô thị nhưng nhiều kênh thoát nước vẫn thuộc ngành NN&PTNT quản lý, đề nghị cần có đề xuất cụ thể để có sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp, xây dựng; các sở cần nêu rõ giải pháp giải quyết vướng mắc trong cải tạo công viên vườn hoa...
Sau khi nghe các sở giải trình, tiếp thu, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà ghi nhân, dù có nhiều khó khăn song các sở đã nỗ lực làm tốt phần việc của ngành, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Thành phố giao.
Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà đề nghị công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng nhiều hơn. Việc xử lý các vấn đề và hậu thanh, kiểm tra thực hiện tốt. Việc phối hợp với các sở chuyên ngành chặt chẽ, đã chủ động đề xuất cùng nhau bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn - đây là điểm tích cực so với nhiệm kỳ trước.
Nêu rõ vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đề nghị các sở cần khẩn trương, rà lại các chỉ tiêu để triển khai đồng bộ giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu theo nghị quyết.
Đối với Sở Xây dựng cần chú trọng đến tỉ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị; tỉ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội... Sở Giao thông vận tải chú trọng đến tỉ lệ vận tải hành khách công cộng…
Với các chỉ tiêu khó khăn, cần báo cáo bổ sung, nêu cụ thể nguyên nhân, dự báo các vấn đề liên quan ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu với đoàn giám sát rõ. Qua đó kiến nghị, đề xuất các phương án, giải pháp khắc phục trong thời gian tới./.