|
Lễ khởi công Dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu |
Vùng Đông Nam bộ là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container của hệ thống cảng biển Việt Nam. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam bộ đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng.
Chính vì vậy, chiến lược, quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước nói chung và ngành giao thông - vận tải (GT-VT) nói riêng tiếp tục xác định vùng Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Trong đó, một trong những ưu tiên hàng đầu chính là đầu tư mới hoặc nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai nhằm gia tăng kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông toàn khu vực.
Để đạt được mục tiêu, các tỉnh thuộc vùng kinh tế động lực Đông Nam bộ đang và sẽ đồng loạt triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng.
Tại Đồng Nai, hiện tại, ngoài 3 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn (QL1, QL51, QL56), Đồng Nai còn có nhiều tuyến giao thông trọng điểm quốc gia đi qua. Cụ thể gồm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Hiện tại Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ mở rộng tuyến cao tốc này lên từ 10 - 12 làn xe nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao khi sân bay Long Thành đi vào khai thác.
Bên cạnh đó, trên địa bàn cũng có nhiều tuyến cao tốc khác chuẩn bị xây dựng gồm Biên Hòa - Vũng Tàu (dự kiến hoàn thành năm 2026) và Dầu Giây - Liên Khương (kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng) sắp sửa khởi công. Ngoài ra, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh cũng đang được xây dựng, kết nối Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Tại Bình Dương, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã hoàn thành hướng tuyến cao tốc và thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở. Theo dự kiến khởi công xây dựng vào dịp Quốc khánh 2/9. Bình Dương cũng đang triển khai nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng như đường Vành đai 3, 4 - TP Hồ Chí Minh, đường tạo lực Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng; dự án nâng cấp mở rộng QL13, đường ĐT.746, đường Mỹ Phước Tân Vạn và xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai kết nối với TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Tại Tây Ninh, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài đã được Bộ Kế hoạch-Đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh) cũng đang thực hiện các phương án tuyến và tài chính.
Ngoài ra, một số dự án giao thông đang tập trung thi công như đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.795, đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn - giai đoạn 2…
Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đồng loạt khởi công nhiều dự án giao thông trọng điểm như dự án cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu.
Hay như tại Bình Phước đã thông qua nghị quyết thực hiện 2 tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Dự kiến cả 2 dự án này đều được khởi công năm nay.
|
Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của Vùng chính là đầu tư mới hoặc nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai nhằm gia tăng kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông toàn khu vực. |
Đặc biệt, đối với trung tâm của Vùng là TP Hồ Chí Minh, dự kiến, năm 2024, Thành phố phấn đấu khởi công 16 công trình dự án, hoàn thành 38 gói thầu và hạng mục công trình, tập trung vào các dự án lớn, trọng điểm. Thành phố cũng dự kiến sẽ có một số dự án giao thông trọng điểm khởi công trong năm 2025 như: khép kín đường Vành đai 2; Dự án đường Vành đai 3; Dự án đường Vành đai 4; Dự án cầu Thủ Thiêm 4; Dự án cầu Cần Giờ; Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và cầu đi bộ qua sông Sài Gòn… Với các dự án về cảng biển, đường vành đai, đường sắt đô thị, hàng không, đường sắt, trục cao tốc sẽ tạo cho Thành phố một hệ thống giao thông thuận lợi. Những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, chiến lược nói trên mở rộng cửa ngõ cho TP Hồ Chí Minh, là cơ hội để phát triển kinh tế, thay đổi văn hóa giao thông phù hợp xu thế phát triển. Từ 3-5 năm tới đây, hạ tầng giao thông thành phố gắn với liên kết vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ phát triển vượt bậc. Lúc đó, cũng sẽ thấy rõ vai trò hạt nhân của TP Hồ Chí Minh đối với vùng, sẽ kích thích phát triển kinh tế cho cả vùng cùng phát triển. Đây cũng tiền đề quan trọng, tạo mũi nhọn để dẫn dắt các lĩnh vực khác cùng phát triển. /..