|
Ảnh minh họa.(ảnh:V.Lê) |
Trong năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh đã triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý và đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường học.
Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo Thành phố, tính đến cuối năm học 2023-2024, khoảng 80% trường học trên địa bàn Thành phố đã triển khai kho học liệu số. Chỉ tính riêng bậc tiểu học, hệ thống ngân hàng học liệu số dùng chung có tổng cộng 22.838 bài giảng, trong đó có 5.068 học liệu mức độ 1 (file word, powerpoint, pdf...), 17.770 học liệu mức độ 2 (bài giảng tương tác). Hầu hết các trường học đã triển khai nền tảng số để đẩy mạnh dạy học trực tuyến, đồng bộ kết quả dạy học, kiểm tra, đánh giá với dữ liệu thực của học sinh và nhà trường. Đặc biệt, đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh của 44 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận huyện, đồng thời triển khai hệ thống quản lý học bạ số, sổ liên lạc điện tử.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, do hạn chế về nhân lực và kinh phí nên kết quả thực hiện chưa như mong đợi.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục-Đào tạo TP Hồ Chí Minh), cho rằng, nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số bởi không có người vận hành thì hạ tầng công nghệ không thể phát huy hiệu quả. Khi có người vận hành, cần tránh tình trạng mỗi nơi triển khai một kiểu, xây dựng kho học liệu hoành tráng để chạy đua thành tích mà không dựa trên nhu cầu học tập thực tế của học sinh. Do đó, chuyển đổi số cần được kiểm soát, không làm theo khuôn mẫu chung mà dựa vào điều kiện thực tế và phù hợp năng lực người học tại đơn vị.
Lãnh đạo các phòng giáo dục -đào tạo kiến nghị Sở Giáo dục-Đào tạo Thành phố cần có văn bản hướng dẫn việc xây dựng, triển khai kế hoạch tài chính dài hạn để đảm bảo nguồn kinh phí ổn định cho việc triển khai học bạ số, đồng thời ban hành quy định về sử dụng chữ ký số trong hoạt động quản lý và giảng dạy ở các trường học. Trong quá trình thực hiện, địa phương cần chủ động áp dụng các biện pháp sao lưu, dự phòng định kỳ để đảm bảo tính toàn vẹn, khả năng phục hồi dữ liệu, đáp ứng yêu cầu an ninh, quyền riêng tư của học sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, chuyển đổi số cần thực hiện theo lộ trình cuốn chiếu mỗi năm học một khối lớp để đảm bảo hiệu quả./..