“Thiếu nhi thành phố – công dân toàn cầu”

Thứ hai, 03/06/2024 14:33
(ĐCSVN) - Học sinh của TP sẵn sàng cho tư cách công dân toàn cầu. Cho nên giáo dục STEAM phải triển khai rộng rãi, tạo những điều kiện thuận lợi, chuẩn bị đội ngũ để thực hiện. Thêm nữa là yêu cầu xây dựng trường học hạnh phúc: gồm các hoạt động trong chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa, xây dựng trường xanh sạch, an toàn, an toàn giao thông, chống bạo lực học đường.
Đại biểu thiếu nhi phát biểu tại Chương trình.

Ngày 01/6, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình lãnh đạo TP Hồ Chí Minh gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi với chủ đề “Thiếu nhi thành phố – công dân toàn cầu”.

Tham dự chương trình có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến; cùng 150 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho hơn 2 triệu trẻ em TP.

Các em là những học sinh giỏi tiêu biểu, tài năng trẻ, các thành viên tích cực của các câu lạc bộ, đội nhóm nhà thiếu nhi, là con công nhân lao động, con chiến sĩ lực lượng vũ trang, thiếu nhi tại các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em, và các em là đại biểu Hội đồng trẻ em TP Hồ Chí Minh.

Tạo môi trường học tập lành mạnh

Tại chương trình, các em thiếu nhi chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, cá độ trên mạng, học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, chương trình học chưa phù hợp…

Em Lâm Bảo Nghi, Trường THCS Colette (quận 3) nêu vấn đề đang xảy ra tại môi trường học đường, đó là vấn nạn thuốc lá điện tử của học sinh, ảnh hưởng sức khỏe gây sa sút trong học tập. Để giảm thiểu tình trạng này, Lâm Bảo Nghi cho rằng nhà trường cần tích cực kiểm tra các khu vực có thể hút thuốc lá điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh; đồng thời lãnh đạo Thành phố cũng có thêm những biện pháp hạn chế tình trạng mua bán, thuốc lá điện tử hiện nay.

Về chương trình giáo dục phổ thông 2018, em Nguyễn Tấn Hào, Trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân chia sẻ: Chương trình học còn nặng và chưa phù hợp, yêu cầu cao hơn trình độ của học sinh, khiến học sinh bị áp lực. Em Hào đề xuất lãnh đạo TP Hồ Chí Minh xem xét lại việc tích hợp 3 môn lý - hóa - sinh và sử - địa để học sinh học tốt, hiểu bài và nắm vững kiến thức.

Cùng quan điểm, em Huỳnh Gia Phú, Trường THCS Hoàng Lê Kha, quận 6 cho rằng chương trình học còn quá nhiều lý thuyết, chưa có nhiều hoạt động thực tế để thu hút, tạo đam mê cho học sinh.

Quan tâm đến vấn đề sử dụng mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, hiện các bạn thiếu nhi được gia đình trang bị điện thoại thông minh sớm, vì vậy việc sử dụng mạng xã hội và internet phổ biến. Tuy nhiên từ nhiều vụ việc của học sinh thời gian qua cho thấy các em thiếu nhi còn chưa thực sự hứng thú với các trang có nội dung thông tin tốt mà thường đọc những tin nóng, thông tin bạo lực, độc hại với thiếu nhi. Bên cạnh đó, việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều xảy ra tình trạng nghiện mạng xã hội, internet, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập.

Các đại biểu cũng cho rằng, Thành phố và nhà trường cần có thêm nhiều những biện pháp hữu ích để giúp thiếu nhi hiểu được thông tin đúng và sai trên mạng xã hội, từ đó biết cách tự chọn lọc thông tin phù hợp với lứa tuổi…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu thiếu nhu cũng nêu ý kiến cần ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy, để các em học sinh có cơ hội học tập tốt hơn; TP cũng cần có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ trẻ em lang thang, cơ nhỡ; thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh…

Tại Chương trình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu đã có những giải đáp về chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trước một số ý kiến phản ánh chương trình học còn nặng, thiên về lý thuyết, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP cho biết, sẽ rà soát với các quận huyện, các cơ sở giáo dục.

 Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Chương trình.

Học sinh TP sẵn sàng cho tư cách công dân toàn cầu

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ghi nhận các ý kiến thẳng thắn, đúng vấn đề và có giải pháp của thiếu nhi. Đồng chí đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP chủ trì tiếp thu, chọn vấn đề cùng các sở ngành và hội đồng đội xác định những nhiệm vụ phải làm, để đến ngày 1/6 năm sau trả lời cụ thể cho các em.

Về phương pháp dạy học STEM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh đã từng đặt ra 5 yêu cầu đối với ngành giáo dục TP, trong đó có 2 yêu cầu giáo dục TP phải top đầu của cả nước và tiệm cận trình độ giáo dục tiên tiến thế giới. Học sinh của TP sẵn sàng cho tư cách công dân toàn cầu. Cho nên giáo dục STEAM phải triển khai rộng rãi, tạo những điều kiện thuận lợi, chuẩn bị đội ngũ để thực hiện.

Thêm nữa là yêu cầu xây dựng trường học hạnh phúc: gồm các hoạt động trong chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa, xây dựng trường xanh sạch, an toàn, an toàn giao thông, chống bạo lực học đường.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nếu ngành Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch, phân bổ nguồn lực để thực hiện thì từ nay đến ngày 1/6 năm sau học sinh sẽ được học tốt hơn, giáo dục TP sẽ tốt hơn và đóng góp cho TP Hồ Chí Minh nhiều hơn.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các đơn vị liên quan triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe học đường; tập trung giáo dục sức khỏe tuổi dậy thì, sức khỏe hôn nhân, sức khỏe tiền sinh sản cho học sinh phổ thông. Về vấn đề thuốc lá điện tử, Chủ tịch UBND T cho biết, quan điểm của TP là cấm học sinh sử dụng, do đó thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế để cấm thuốc lá điện tử trên địa bàn.

Tại chương trình, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất HĐND TP xem xét đến dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ có 50 công trình tặng cho thiếu nhi TP Hồ Chí Minh./..

Khánh Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực