Nghị quyết xác định mục tiêu gắn quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số với hiện đại hoá nền hành chính nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển môi trường số an toàn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Cao Bằng thuộc nhóm phát triển khá về chuyển đổi số (CĐS).
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp
Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh đạt 74,9%. Internet cáp quang tốc độ cao phủ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; gần 89% dân số toàn tỉnh có điện thoại thông minh; 98% dân số có sổ sức khỏe điện tử. Các tiện ích của Đề án 06 được đẩy mạnh ứng dụng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
|
Hội thảo chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng năm 2024. |
Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng – Trưởng ban Chuyển đổi số cho biết: “Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, chuyển đổi số (CĐS )tại tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các hệ thống thông tin trọng yếu, dùng chung được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Cao Bằng được đánh giá là một trong các tỉnh thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo “đúng - đủ - sạch - sống”. Chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao”.
Để thực hiện tốt công tác CĐS trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị các cơ quan, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của CĐS; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình CĐS; triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, thực chất, hiệu quả phù hợp với nguồn lực của địa phương và nhu cầu thực tiễn của xã hội. Trong quá trình thực hiện nhất quán quan điểm: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực cho CĐS; cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng kết quả, hiệu quả từ các hoạt động CĐS.
Một số kết quả bước đầu về chuyển đổi số
Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cải tiến hiệu quả và minh bạch hoạt động chính quyền, đảm bảo tính công bằng, chuẩn mực trong quản lý nhà nước, trong thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được một số kết quả bước đầu. Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, vừa qua, tỉnh đã tổ chức công bố, triển khai Nền tảng Công dân số Cao Bằng nhằm tạo kênh kết nối, tương tác giữa người dân và chính quyền thông qua ứng dụng trên thiết bị di động, hướng tới phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân, doanh nghiệp.
|
Các đại biểu tham gia ứng dụng công nghệ chuyển đổi số. |
Theo báo cáo triển khai Đề án 06 của tỉnh Cao Bằng, nhóm Công dân số được UBND tỉnh chỉ đạo yêu cầu sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử (ĐDĐT); thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Công an các địa phương tập trung nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD trên địa bàn, tiến hành đối chiếu, xác minh thông tin công dân qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua tàng thư hồ sơ cư trú, tàng thư CCCD đảm bảo hồ sơ đã thu nhận đầy đủ, chính xác, đúng quy định và có hiệu quả. Tính đến ngày 12/7/2024 trên địa bàn tỉnh đã thu nhận được 497.506 hồ sơ CCCD (trong đó, từ ngày 15/6/2024 đến ngày 12/7/2024, toàn tỉnh đã thu nhận 3.205 hồ sơ).
Ngoài ra, công tác cấp tài khoản định danh điện tử UBND tỉnh đã ban hành văn bản tăng cường triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, trong đó đẩy mạnh công tác thu nhận, kích hoạt tải khoản định danh điện tử. Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 392.331 tài khoản định danh diện tử, kích hoạt được 291.653/392.331 tài khoản định danh điện tử đạt tỷ lệ 74,3% (trong đó, từ ngày 13/6/2024 đến ngày 12/7/2024, toàn tỉnh đã thu nhận 4.083 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt được 2.375 tài khoản định danh điện tử).
Cao bằng tiến tới hình thành nên một nền tảng số thống nhất phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Thông qua nền tảng, người dân và doanh nghiệp có thể tương tác với chính quyền, cùng chính quyền xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; cung cấp công cụ cho cán bộ, công chức trong việc điều hành, xử lý và hỗ trợ các yêu cầu, phản ánh của người dân đến với cơ quan nhà nước, đảm bảo các phản ánh của người dân được gửi đến cơ quan nhà được được điều hành xử lý nhanh chóng, minh bạch và công khai đến với người dân.
Từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong đẩy mạnh chuyển đổi số từ cấp cơ sở của tỉnh Cao Bằng đã và đang góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về tư tưởng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, là động lực để cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trên toàn tỉnh./.