70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ bảy, 21/12/2024 13:30
(ĐCSVN) - Sau 70 năm hình thành và phát triển, ngành điện Việt Nam luôn là một trong những trụ cột an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 

Điện luôn đi trước một bước

Trong lịch sử 70 năm của ngành Điện, luôn đóng vai trò chủ đạo trong cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dù trong hoàn cảnh nào, ngành Điện luôn phải đi trước một bước – đó là sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã trao cho ngành. Đặc biệt, trong giai đoạn mới, khi cả nước đang tập trung mọi nỗ lực, chung sức, đồng lòng để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn bao giờ hết, vai trò và sứ mệnh của ngành Điện càng phải được đặt lên hàng đầu.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của ngành Điện lực Việt Nam 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân viên người lao động ngành Điện có quyền tự hào về những thành tựu to lớn và đóng góp quan trọng mang tính chất quyết định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà những nỗ lực vượt bậc của lớp lớp những người làm điện đã tạo nên dưới sự quan * tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Cơ sở vật chất ngành Điện, hạ tầng cung cấp điện cả nước đã có sự phát triển mạnh trong nhiều năm liên tục. Nếu như sau ngày tiếp quản Thủ đô (tháng 10/1954), miền Bắc mới có 31,5 MW công suất nhà máy điện, sản lượng 53 triệu kWh, thì đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước đã lên tới 80.555 MW (đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 22 trên thế giới), sản lượng điện 280,6 tỷ kWh, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân với tốc độ tăng trưởng cao. Nhờ vậy, ngày càng đông đảo tầng lớp nhân dân được cung cấp điện, góp phần quan trọng vào thay đổi cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Năm 1975, sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mới có khoảng 2,5% số hộ gia đình cả nước được sử dụng điện, đến nay 100% số xã, 99,83% số hộ dân, 99,74% số hộ dân nông thôn có điện. Đến nay, 11/12 huyện đảo với 70 xã đảo được cấp điện, trong đó các huyện đảo Vân Đồn, Cát Hải, Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc, Kiên Hải được cấp điện từ lưới quốc gia bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển dự án cấp điện cho huyện đảo Côn Đảo đang được tích cực triển khai để hoàn thành vào cuối năm 2025, các huyện đảo còn lại được cấp bằng nguồn điện tại chỗ. Tỷ lệ người dân có điện ở Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực có quy mô nền kinh tế lớn hơn nước ta.

Giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp điện

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tổ chức lại, tái cơ cấu ngành Điện, tháng 10/1994, Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Năng lượng và đến tháng 6/2006, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ra đời, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Những thay đổi mô hình tổ chức quan trọng này cùng với việc từng bước thiết lập lộ trình xây dựng thị trường điện tại Việt Nam đã chuyển mạnh ngành Điện sang cơ chế hạch toán tự chủ, tạo điều kiện thu hút đầu tư xã hội vào ngành Điện bên cạnh nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước, từng bước đưa cạnh tranh vào ngành Điện, nâng cao năng * lực quản trị, tăng cường tính minh bạch, hướng tới chất lượng cung ứng điện và chất lượng dịch vụ ngày càng cao cho khách hàng dùng điện.

Chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về tái cấu trúc ngành Điện đã tạo động lực đẩy mạnh đầu tư của EVN đồng thời thu hút mạnh mẽ đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước khiến quy mô hệ thống điện quốc gia tăng nhanh. Từ chỗ Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đầu tư và quản lý toàn bộ nguồn, lưới điện, đến năm 2023, khu vực ngoài Nhà nước đã chiếm tỷ trọng gần 52% công suất lắp đặt cả nước. Trong quá trình tái cơ cấu ngành Điện, mặc dù đến nay, quy mô công suất nguồn điện do EVN quản lý chỉ chiếm 37% công suất, 41% sản lượng điện cả nước, nhưng EVN luôn là doanh nghiệp đầu tàu, thực hiện đầu tư các công trình nguồn trọng điểm, lưới điện truyền tải và phân phối trọng yếu, giữ vai trò là người mua duy nhất, đảm trách bán lẻ điện cho khách hàng. Vì vậy, Tập đoàn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần định hướng chính sách để thu hút đầu tư làm cho thị trường điện phát triển lành mạnh vừa cung ứng đủ điện, vừa thực hiện an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. Những năm gần đây, EVN đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, nhờ đó độ tin cậy cung cấp điện, chỉ tiêu tổn thất điện năng và chỉ số tiếp cận điện năng hiện nay của Việt Nam đã thuộc tốp đầu Đông Nam Á.

Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV EVN 

70 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã xây dựng và đưa vào vận hành thành công nhiều công trình nguồn và lưới điện, trong đó có những công trình mang tầm vóc lớn như thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, các công trình Đường dây 500kV Bắc – Nam liên kết lưới điện 3 miền... được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao. Những công trình này là tiền đề để EVN có thể đảm trách thêm những công trình năng lượng lớn, đột phá, mang tính xoay chuyển trong thời gian sắp tới.

Có thể khẳng định, ngành Điện lực Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc làm chủ khoa học – công nghệ trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các công trình nguồn, lưới điện có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp mà trước đây phải sử dụng chuyên gia nước ngoài. Điều đó đã minh chứng cho năng lực, trí tuệ, tinh thần làm việc cần cù của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành Điện..

Ghi nhận những đóng góp của ngành Điện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996, năm 2014), Huân chương Sao Vàng (năm 2004), danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân trong ngành. Những phần thưởng cao quý đó đã làm rạng rỡ lịch sử phát triển ngành Điện lực Việt Nam, đồng thời là động lực tinh thần to lớn để ngành tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tiếp tục sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình

Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực, chung sức đồng lòng phấn đấu thực hiên thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập trung cao nhất bảo đảm tăng trưởng cao của nền kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống người dân, trước mắt là thực hiện các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025 và tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII, Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo: “Phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn sinh lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.” Đây là những tư tưởng chỉ đạo quan trọng để các cấp, các ngành (trong đó có ngành Điện) xác định các nhiệm vụ và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Từ những định hướng lớn nêu trên của Trung ương, có thể xác định một số mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu cho sự phát triển ngành Điện Việt Nam trong giai đoạn mới, đó là: Đảm bảo đủ điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tốc độ tăng trưởng cao hơn, đi đôi với bảo vệ môi trường, đẩy nhanh thực hiện chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số, lấy khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo làm nền tảng, động lực, chuyển mạnh ngành Điện sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết hiệu quả của Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Thời kỳ mới, vận hội mới, sứ mệnh ngành Điện, trong đó có Tập đoàn EVN rất nặng nề. Kiên định con đường đi lên dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm của ngành Điện cách mạng, tiếp tục làm nòng cốt cho sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước là vinh dự, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Điện./.

Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV EVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực