Tại Hà Giang hiện có gần 60 công trình lưới điện hạ áp nông thôn (công trình điện) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa được bàn giao cho Công ty Điện lực Hà Giang. Điều đó đã gây khó khăn cho chủ đầu tư và ngành Điện trong quản lý, vận hành, người dân phải mua điện giá cao.
Nghèo vẫn phải mua điện giá cao
Cuối năm 2015, gần 30 hộ dân ở thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn phấn khởi khi được sử dụng điện lưới quốc gia.
Công trình điện này được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước do Sở Công Thương tỉnh làm chủ đầu tư, là một trong 42 công trình nằm trong dự án cấp điện cho các xã, thôn, bản vùng biên giới chưa có điện tỉnh Hà Giang (thuộc chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 theo Quyết định 2081/QĐ-TTg của Chính phủ).
Điện về thắp sáng bản làng, người dân như được tiếp thêm sức mạnh để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Vui là thế, nhưng người dân băn khoăn, thắc mắc tại sao phải mua điện giá cao hơn so với các thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
Ông Giàng Mí Cáy, một người dân trong thôn nói: “Từ ngày có điện, bà con mua nhiều vật dụng, thiết bị để phục vụ sản xuất và đời sống như ti-vi, máy xay ngô, máy thái cỏ,… cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, chúng tôi phải mua điện giá cao hơn so với các thôn khác. Nhà tôi mỗi tháng sử dụng dưới 50 số điện, nhưng phải trả 2.000 đồng/số”.
Gia đình ông Giàng Mí Cáy thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) đang phải mua điện với giá cao
Anh Vàng Mí Và, công an viên thôn, người được cử làm đại diện hợp đồng với Điện lực Đồng Văn để thu, nộp tiền điện hằng tháng giải thích: Chi nhánh điện Đồng Văn bán điện theo hình thức cụm sinh hoạt bậc thang (nhiều hộ dùng chung một công-tơ tổng đặt tại trạm biến áp). Giá bán điện tại công-tơ tổng được tính theo giá bán điện bậc thang phục vụ hộ gia đình theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, các hộ trong thôn phải gánh phần thất thoát điện năng trong quá trình vận hành đường dây từ công-tơ tổng về thôn. Đường dây dài, công tác quản lý, vận hành kém, cho nên tỷ lệ thất thoát cao.
“Người dân thôn Lùng Lú còn nghèo, sản xuất, chăn nuôi chỉ đủ ăn. Điện giá cao khiến người dân khó khăn hơn”, anh Vàng Mí Và khẳng định.
Cũng tại thị trấn Đồng Văn, người dân thôn Mã Lù mới được sử dụng điện lưới quốc gia từ công trình điện mới hoàn thành do Điện lực Hà Giang làm chủ đầu tư. Nhưng người dân thôn Mã Lù lại được mua điện theo hình thức bán lẻ, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo giá quy định.
Giám đốc Điện lực Đồng Văn Nguyễn Ngọc Phan giải thích, trên địa bàn tỉnh có 28 công trình điện đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước do UBND các huyện làm chủ đầu tư và gần 30 công trình thuộc dự án cấp điện cho các xã, thôn, bản vùng biên giới tỉnh Hà Giang đã hoàn thành nhưng chưa được bàn giao cho ngành điện quản lý, vận hành.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Công ty Điện lực Hà Giang tạm thực hiện bán lẻ theo cụm sinh hoạt bậc thang trên cơ sở thống nhất của chính quyền và ngành chức năng tỉnh. Công trình điện thôn Lùng Lú khi hoàn thành vẫn chưa được bàn giao cho ngành điện, cho nên chúng tôi không có kinh phí vận hành, quản lý.
Quản lý, vận hành khó khăn
Theo Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện, công ty là đơn vị kinh doanh hạch toán báo sổ với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Các công trình không phải là tài sản của đơn vị đều không có nhân lực, không có kinh phí quản lý, vận hành. Tuy nhiên, hoạt động trên địa bàn vùng cao khó khăn, công ty xác định thực hiện nhiệm vụ chính trị phải được đặt lên hàng đầu, cho nên các chi nhánh vẫn giúp chủ đầu tư quản lý an toàn lưới điện, giúp người dân sửa chữa nhỏ đối với các công trình chưa được bàn giao. Với sự cố lớn, công ty không có kinh phí để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng. Việc bán điện cho dân theo hình thức nhiều hộ dùng chung đã gây bức xúc cho người dân, chính quyền các cấp và ngành điện đã nhận được nhiều đơn thư khiếu nại về vấn đề trên.
Hà Giang thường xuyên xảy ra thiên tai mưa lũ, gió lốc, sét, gây thiệt hại đối với các công trình điện. Riêng ở huyện Đồng Văn, năm 2015, sét đánh gây hư hỏng ba trạm biến áp ở Mỏ Phài (xã Sủng Là), Há Tía và Há Chơ (xã Sủng Trái).
Phó Trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Văn Trần Đức Chung cho biết: Cả ba công trình này đều chưa được bàn giao cho ngành điện. Khi xảy ra sự cố, huyện Đồng Văn phải đầu tư hàng tỷ đồng sửa chữa, khắc phục. Năm nay, dù mới vào mùa mưa bão, nhưng trạm biến áp Sà Lủng A, xã Phố Cáo đã bị sét đánh.
Cuối năm 2015, căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh Hà Giang đã trình UBND tỉnh Hà Giang xem xét phê duyệt danh mục 28 công trình điện đã hoàn thành và định giá tài sản để UBND các huyện bàn giao cho ngành điện. Tuy nhiên, việc bàn giao này lại gặp vướng mắc vì Bộ Tài chính có văn bản nêu rõ: Việc bàn giao lưới điện nông thôn đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước cho ngành điện thực chất là điều chuyển tài sản của Nhà nước sang cho doanh nghiệp, phải thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Cụ thể, việc điều chuyển này chỉ được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng quyết định. Vì thế, các địa phương có nhu cầu bàn giao công trình lưới điện phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến của Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan, mới có cơ sở hướng dẫn thực hiện.
Đối với 30 công trình điện nông thôn nằm trong dự án cấp điện cho các xã, thôn, bản vùng biên giới, việc bàn giao cho ngành điện quản lý đã được nêu rõ trong Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Đối với các dự án đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận vốn, tài sản sau đầu tư, quản lý vận hành và bán điện đến hộ gia đình theo các quy định hiện hành”.
Tuy nhiên, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, các bộ, ngành liên quan như Tài chính, Công Thương chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức hoàn trả vốn (theo hình thức ghi tăng tài sản bên nhận và ghi giảm tài sản bên giao, hay hình thức ngành điện phải trả lại vốn đầu tư cho ngân sách). Giám đốc Sở Tài chính Hà Giang, Hà Việt Hưng cho biết, sở đang kiểm tra, rà soát các công trình lưới điện hạ áp nông thôn để báo cáo UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị các bộ, ngành T.Ư thống nhất chỉ đạo nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong bàn giao.
Hà Giang là một tỉnh biên giới, địa bàn dân cư thưa thớt, rất khó thu hút vốn để đầu tư lưới điện. Kinh doanh mua, bán điện ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là hoạt động công ích, do đó chính quyền tỉnh đề nghị các bộ, ngành T.Ư sớm có hướng dẫn cụ thể về phương thức bàn giao và cách thức hoàn trả vốn đối với những công trình điện nông thôn được đầu tư bằng vốn ngân sách cho ngành Điện, để người dân vùng cao được sử dụng điện theo đúng giá quy định của Nhà nước./.