Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thứ sáu, 10/05/2019 12:00
(ĐCSVN) - Ngày 9/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Bộ đã làm việc về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển bền vững tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: HT 

Tham dự cùng buổi làm việc về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có các Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía Tập đoàn EVN có Chủ tịch Hội đồng thành viên Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc EVN.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Tập đoàn EVN là tập đoàn quan trọng của đất nước, góp phần duy trì và ổn định năng lượng của đất nước.  Trong quá trình phát triển năng lượng của đất nước, vấn đề vừa đảm bảo nhiệm vụ của Chính phủ giao cho EVN thì công tác bảo vệ môi trường cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tại buổi làm việc, hai bên sẽ trao đổi thẳng thắn để phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như EVN sẽ hiểu thêm những khó khăn trong quá trình phối hợp làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, thay mặt Tập đoàn EVN, Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải cho biết, EVN đã kiện toàn cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý môi trường, trong đó EVN đã ban hành các quy chế, quy định như: “Quy định về công tác quản lý và bảo vệ môi trường”; “Định hướng chiến lược môi trường của Tổng công ty Điện lực Việt Nam”; “Quy chế quản lý và bảo vệ môi trường của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”…

Ngoài ra, gần đây trong năm 2018, EVN đã tiến hành xây dựng và ban hành Quy trình bảo vệ môi trường (BVMT) thực hiện trong các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, các công trình đường dây và trạm biến áp. Quy trình BVMT  đã giúp các đơn vị thực hiện công tác BVMT tại đơn vị bài bản, đầy đủ, đều đặn. Quy trình BVMT cũng là cơ sở để công tác kiểm tra đánh giá trong đơn vị nói riêng, trong toàn EVN nói chung được thống nhất xuyên suốt.

 Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu. Ảnh: HT

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Dương Quang Thành ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn làm việc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với những vấn đề tồn tại của EVN, Chủ tịch Dương Quang Thành sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên sớm thực hiện để các dự án của Tập đoàn sớm triển khai kịp với kế hoạch đặt ra.

Đối với những vấn đề cần phối hợp với các Bộ ngành, địa phương cụ thể như: xả nước phục vụ tưới tiêu, tìm giải pháp khắc phục vấn đề trượt sạt đồi ông Tượng (Hòa Bình); ông Dương Quang Thành cho biết sẽ báo cáo và họp các bên lại để cùng nhau tìm hướng giải quyết và đưa ra phương án thống nhất chung.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, EVN cần duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi chuyên môn giữa EVN và Bộ Tài nguyên và Môi trường, thiết lập cơ chế giám sát công việc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo, EVN cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ hiện đại như nhiệt điện siêu siêu tới hạn, lựa chọn công nghệ tối ưu để lọc bụi, khử Sox bằng đá vôi, tiếp tục cải thiện chất lượng các thiết bị quan trắc môi trường,…

Để làm tốt công tác môi trường tại các NMNĐ, EVN cần chủ động tìm kiếm đối tác để thu mua, tiêu thụ tro, xỉ; tập trung xử lý chất thải rắn. Trong đó, xỉ có chất lượng tốt được xem là nguồn nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp. Với xỉ còn hàm lượng than chưa cháy kiệt, cần có thêm quy trình xử lý trước khi sử dụng.

Đặc biệt, phát biểu với các lãnh đạo chủ chốt EVN, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong quá trình ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu, Việt Nam và 178 quốc gia đã cam kết thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris - một thỏa thuận quốc tế đầu tiên theo Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường tới năm 2030. Để làm được điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn EVN xem xét lại cơ cấu nhiệt điện, điện khí, thủy điện… trên cơ sở đó đưa ra lộ trình và điều chỉnh điện VII sang điện VIII với việc tái cơ cấu lại giảm dần các dự án nhiệt điện và tăng cường các dự án điện tái tạo để đưa ra lộ trình cắt giảm khí nhà kính và đồng hành trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực