Công ty Điện lực Long Biên: Nhiều giải pháp triển khai và quản lý tiến độ các dự án

Thứ tư, 17/04/2013 14:36

Sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, trên địa bàn đặt ra cho Công ty Điện lực Long Biên những cơ hội mở mang, phát triển mạng lưới điện; song cũng xuất hiện không ít thách thức khi đòi hỏi phải có những giải pháp thiết kế, thi công các công trình mới sao cho tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
Với hệ thống lưới điện và hạ tầng cơ sở khá rộng, phức tạp nên việc quản lý, điều hành đòi hỏi phải được thực hiện hết sức khoa học, hiệu quả. Hàng năm, tốc độ phát triển phụ tải điện của quận Long Biên vào khoảng từ 12% đến 15% nên việc đầu tư mới các dự án cũng như sửa chữa, cải tạo lưới điện phải luôn luôn đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng điện để đảm bảo việc vận hành hệ thống đạt hiệu quả. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng nhưng hàng năm Công ty vẫn khai thác được nguồn vốn từ vay tín dụng thương mại hơn 50 tỷ đồng để tái đầu tư cho các dự án. Cùng với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội, Công ty triển khai thực hiện thi công các dự án theo ba hình thức: đấu thầu rộng rãi trong nước, chỉ định thầu và tự thực hiện nên đã khai thác nguồn vốn vay một cách hiệu quả. Riêng với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, Công ty tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm lựa chọn nhà thầu có năng lực thi công, nguồn tài chính lành mạnh, đảm bảo chất lượng xây lắp công trình, tiến độ thi công và mức chi phí thấp nhất, đạt hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.

 

 Xây dựng mới trạm biến áp, điều tiết hệ thống Sài Đồng 7


Việc cung cấp điện cho gần 90.000 khách hàng và quản lý hơn 400km đường dây điện vận hành ở hai cấp điện áp 35kV và 22kV đặt ra yêu cầu với điện lực quận phải có giải pháp cải tạo, nâng cấp lưới điện. Nhiều dự án của ngành điện đã và đang được triển khai, gần đây nhất, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực quận Long Biên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020” với tổng mức đầu tư lên đến hơn 808.000 triệu. Trong giai đoạn này, sẽ tiến hành việc nâng công suất trạm 110kV Gia Lâm từ (2x63+25) MVA lên (3x63) MVA vào năm 2013. Đồng thời, xây dựng mới 2 trạm 110kV là trạm tổ hợp Công nghiệp Sài Đồng (1x63) MVA (năm 2014) và trạm nối cấp Long Biên (1x63) MVA (năm 2014). Vẫn duy trì cấp điện từ trạm 110kV Sài Đồng (40+63) MVA. Giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục nâng công suất trạm 110kV Sài Đồng từ (40+63) MVA lên (2x63) MVA; nâng công suất trạm 110kV Đông Anh từ (2x40+63) MVA lên (2x63+40) MVA (hỗ trợ cấp điện cho quận Long Biên); trạm 110kV Tổ hợp Công nghiệp Sài Đồng từ (1x63) MVA lên (2x63) MVA; trạm 110kV nối cấp Long Biên từ (1x63) MVA lên (2x63) MVA. Duy trì cấp điện từ trạm 110kV Gia Lâm (3x63) MVA.

Với lưới điện trung áp sẽ xây dựng mới 312 trạm biến áp phân phối 22/0,4 kV và 35(22)/0,4 kV với tổng công suất 187.000 kVA; cải tạo chuyển đổi điện áp 35 kV sang 22 kV cho 11 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 3.980 kVA; xây dựng mới 94,11km đường dây trung áp, trong đó có 91,6km cáp ngầm và 2,51km đường dây nổi. Lưới điện hạ áp sẽ xây dựng mới 115,8km đường dây hạ áp, trong đó cáp ngầm là 13,6km; cải tạo 108,5km đường dây hạ áp, trong đó cáp ngầm là 14,5km; lắp mới 16.855 công tơ; trong đó có 650 công tơ 3 pha…

Trước mắt, để sớm triển khai, nhất là với dự án mang tính cấp bách nhằm chống quá tải một số khu vực trọng điểm, đảm bảo nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh Công ty áp dụng hình thức chỉ định thầu. Những nhà thầu được chỉ định được khảo sát, lựa chọn kỹ lưỡng, có uy tín, năng lực tài chính lành mạnh và nhiều kinh nghiệm trong thi công các công trình chuyên ngành về điện. Đối với các dự án vừa và nhỏ, Công ty chủ động thi công dưới hình thức tự thực hiện nên đã đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng, giảm chi phí thi công. Không những thế, qua những lần triển khai đó góp phần nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn và chống quá tải cho hệ thống một cách kịp thời, hiệu quả.

Thực hiện chủ trương tiết kiệm và phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, nhân viên, hàng năm Công ty rà soát toàn bộ vật tư thiết bị có sẵn, ưu tiên sử dụng vật tư thiết bị tồn kho, vật tư thu hồi có thể sử dụng được ngay và sử dụng sau sửa chữa cấp cho công trình như máy biến áp, tủ điện hạ thế, cầu dao trung thế... Do đó, giảm được giá trị vật tư thiết bị tồn kho và giảm chi phí công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Một trong những yếu tố được lãnh đạo Công ty Điện lực Long Biên quan tâm hàng đầu, đó là chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh việc gửi cán bộ, nhân viên đi tập huấn do Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội tổ chức, Công ty còn chủ động mở các khoá đào tạo ngắn hạn bổ sung kiến thức và kỹ năng mới cho cán bộ, nhân viên. Bồi dưỡng những kiến thức nâng cao dựa trên nền tảng sẵn có để có thể ứng dụng ngay vào công việc hiện tại ở các bộ phận. Riêng với đội ngũ cán bộ phụ trách dự án và trưởng nhóm được chú trọng đào tạo bài bản, nâng cao khả năng quản lý, kiểm soát khối lượng công việc. Rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, sử dụng thành thạo phần mềm chuyên dụng, phân tích và tính toán bằng phần mềm chuyên dụng hiệu quả.

Bằng những giải pháp triển khai hiệu quả, trong nhiều năm, Công ty Điện lực Long Biên được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ; được trao tặng nhiều danh hiệu như: bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội về việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2010; bằng khen của Bộ Xây dựng về việc góp phần hoàn thành công trình cầu Vĩnh Tuy nhân dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; cờ thi đua của Bộ Công thương tặng đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2012 và đặc biệt đầu năm 2013 Công ty vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực