Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Vượt qua khó khăn giữ vững vai trò chủ đạo

Thứ tư, 04/08/2010 16:07

(ĐCSVN) - Được thành lập ngày 08/10/2007, Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đoàn kết, sáng tạo, lãnh đạo Tập đoàn vượt qua những thách thức trong giai đoạn 2006-2010, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giữ vững vai trò chủ đạo trong đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

 

 Duy trì chế độ trực vận hành 24/24 giờ để đảm bảo nguồn điện thông suốt.
Ảnh Internet


Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam bao gồm 31 tổ chức đảng trực thuộc với 2.238 đảng viên, hoạt động trải dài các địa bàn trong cả nước. Trải qua muôn vàn gian khó trong thời kinh tế hội nhập, toàn Đảng bộ vẫn bám sát các mục tiêu được cụ thể hóa từ các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đối với ngành điện, tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các biện pháp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, giữ vững vai trò chủ đạo trong đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đảm bảo cung ứng điện cho đất nước

Tính đến cuối năm 2010, ước tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống điện là 20.900 MW, trong đó các nguồn thuộc EVN là 14.600 MW (chiếm 70%). Tính chung giai đoạn 2006- 2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện mới tăng thêm trên toàn hệ thống 10.400 MW (tăng 1,98 lần so với năm 2005). Tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2010 ước đạt 85,4 tỷ kWh; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 13,7%, tăng 2 lần so với tăng trưởng GDP. Điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2010 ước là 981 kWh/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2005; tổng số khách hàng dùng điện của EVN năm 2010 dự kiến đạt 16,4 triệu khách hàng, tăng 8,45 triệu khách hàng so với năm 2005.

Trong 5 năm qua, các nhà máy điện đã vận hành tương đối ổn định, đáp ứng cơ bản phương thức huy động nguồn của hệ thống điện. Hệ thống lưới điện truyền tải, đặc biệt lưới điện 500 kV vận hành ổn định, suất sự cố giảm, mặc dù luôn phải vận hành căng thẳng.

Từ năm 2006 đến nay, Đảng uỷ Tập đoàn tập trung lãnh đạo, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (Qui hoạch điện VI). Đây là thời kỳ đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện có qui mô lớn nhất từ trước đến nay, với tổng giá trị thực hiện 202.100 tỷ đồng, dự kiến năm 2010 là 58.500 tỷ đồng, cụ thể:

Đã và đang xây dựng 29 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.800 MW, đã đưa vào vận hành 5.500 MW công suất nguồn điện mới. Ngoài ra EVN đã mua điện của Trung Quốc với công suất 600 MW. Hiện nay, đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện công trình trọng điểm thủy điện Sơn La phát điện vượt tiến độ 2 năm.

Trong 5 năm qua, Tập đoàn đóng điện vận hành nhiều công trình lưới điện truyền tải 220 - 500 kV với tổng chiều dài đường dây 3.800 km, tổng dung lượng trạm 18.800 MVA. Tính đến cuối năm 2009, tổng chiều dài đường dây cao thế 500 - 110kV là 23.700 km, tổng chiều dài đường dây trung, hạ thế là 277.500 km, tổng dung lượng trạm biến áp cao thế 500 – 110 kV là 44.500 MVA, tổng dung lượng trạm biến áp trung, hạ thế là 43.800 MVA. Đặc biệt năm 2009, Tập đoàn đã hoàn thành các thủ tục để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư các dự án nguồn điện quan trọng là Thủy điện Lai Châu (1.200 MW) và Điện hạt nhân Ninh Thuận (công suất trên 4.000 MW).

Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Giai đoạn 2006 - 2010, rất nhiều khó khăn chồng chất do ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu vào như chi phí nhiên liệu tăng trên 40%, chi phí nhân công, giá thành xây dựng, chi phí điện mua ngoài tăng trên 30%, tỷ giá ngoại tệ có nhiều biến động tăng và chưa được tính đủ vào giá điện. Trước những khó khăn đó, Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí để đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi. Chương trình giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối điện được đẩy mạnh, với nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả. Đồng thời, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh các chương trình thực hành tiết kiệm các chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác (giảm 5% so định mức được duyệt); nâng cao hiệu quả công tác sửa chữa lớn (tiết kiệm 10%). Những việc làm thiết thực trên đã tiết kiệm cho Tập đoàn gần 1 nghìn tỷ đồng… Tập đoàn đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện và quảng bá sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng với chương trình 3 triệu bóng đèn compact của EVN, do đó kết quả điện năng tiết kiệm trong năm 2008, 2009 đạt 1.945 triệu kWh.

Tập đoàn và các đơn vị chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị trong Tập đoàn. Kiểm tra công tác đầu tư xây dựng, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, công tác viễn thông tại một số công ty điện lực; sửa chữa lớn, mua sắm vật tư, thiết bị tại các công ty phát điện. Các đợt thanh, kiểm tra được tiến hành nghiêm túc, kết luận rõ ràng và đề ra các biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Tập đoàn đã tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, cân bằng được tài chính, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước. Tính chung giai đoạn 2006 - 2010, tổng doanh thu của Tập đoàn ước đạt 172.900 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 9.100 tỷ đồng. Nguyên giá tài sản cố định tính đến 31/12/2009 đạt 215.800 tỷ đồng, tăng 76.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2006. Vốn chủ sở hữu tại Tập đoàn không ngừng tăng, năm 2006 là 49.150 tỷ đồng, năm 2009 là 73.420 tỷ đồng, dự kiến năm 2010 là 110.000 tỷ đồng, tăng 2,42 lần so với năm 2005. Tỷ suất lợi nhuận thu được toàn Tập đoàn bình quân hàng năm đạt thấp.

Tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo

Tập đoàn đã nỗ lực rất lớn đưa điện lưới quốc gia đến hầu hết biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Tổ quốc, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, quốc phòng, an ninh biên giới. Đồng thời Tập đoàn luôn chú trọng phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phối hợp làm tốt công tác tôn giáo, dân tộc trên địa bàn các đơn vị, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội nhất là tại các vùng Tây bắc, Tây nguyên, Tây nam của đất nước. Với kết quả đạt được trong công tác quốc phòng, an ninh thời gian qua, các đơn vị trong Tập đoàn luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn ghi nhận và đánh giá cao.

Tập đoàn đã tham gia thực hiện tốt công tác chống hạn, chống lũ thông qua việc điều tiết các công trình thủy điện đa mục tiêu; tập trung lực lượng lớn con người và thiết bị, phương tiện kịp thời ứng cứu cho các địa phương trong các trận bão lũ; xây dựng nhiều trường học, đường điện, nhà tình nghĩa cho một số xã nghèo trong cả nước; phụng dưỡng suốt đời gần 300 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; từ năm 2006 đến nay đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào các quỹ xoá đói giảm nghèo, tấm lòng vàng, trẻ em nghèo vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai...

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình “Hỗ trợ các huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững”, Tập đoàn đang triển khai hỗ trợ cho 3 huyện nghèo là Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên thuộc tỉnh Lai Châu với tổng kinh phí gần 280 tỷ đồng trong 3 năm 2009 - 2011.

Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh doanh đa ngành bước đầu đã khẳng định vị trí

Ngoài nhiệm vụ chính là sản xuất cung ứng điện, EVN còn tận dụng thế mạnh của mình để thực hiện kinh doanh đa ngành rất hiệu quả. 5 năm qua, EVN đã xây dựng hệ thống đường trục cáp quang mạnh đến tất cả 64 tỉnh thành trên cả nước và 2 cổng quốc tế dung lượng lớn, đang khai thác có hiệu quả đường cáp quang biển liên Á, triển khai đầu tư mạng 3G; chất lượng dịch vụ EVN Telecom ngày càng tốt hơn, giá cả hợp lý với trên 4,52 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ. Lĩnh vực cơ khí cũng phát triển mạnh với tổng doanh thu cơ khí giai đoạn 2006 - 2010 đạt 5.300 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị trong Tập đoàn đã đủ khả năng sản xuất hàng loạt các MBA đến cấp điện áp 220 kV, có công suất đến 250 MVA, sửa chữa máy biến áp 500kV; các đơn vị cơ khí chế tạo thành công thiết bị cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thủy điện lớn như công trình trọng điểm Quốc gia - Thủy điện Sơn La.

Cùng với việc chuyển đổi thành công mô hình Tổng công ty nhà nước sang mô hình Tập đoàn kinh tế, EVN còn cổ phần hoá 30 doanh nghiệp, hàng năm đào tạo trên 60.000 lượt CBCNV. Ký kết nhiều hiệp định với các tổ chức tài chính quốc tế (ADB, WB, AFD, JICA...) nhằm vay vốn, bổ sung nguồn vốn cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện, thực hiện kết nối lưới điện với Trung Quốc và đang bán điện cho Lào và Cămpuchia.

EVN cũng đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng đưa điện về nông thôn trong giai đoạn 2006-2009, bù lỗ 15.100 tỷ đồng để bán điện đến các hộ dân nông thôn. Đến hết năm 2010 sẽ hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp ở gần 5.300 xã để bán điện trực tiếp cho 7,4 triệu hộ dân nông thôn.

Do thực hiện tốt nhiệm vụ các mặt công tác, hàng năm số tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh đạt từ 93% trở lên; tỷ lệ tổ chức đảng trực thuộc đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu trên 20% (năm 2009 là 29%); tỷ lệ tổ chức đảng được Đảng bộ Tập đoàn khen thưởng đạt trên 14%, Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối khen thưởng đạt trên 12%. Ba năm liên tục Đảng bộ Tập đoàn được Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương công nhận tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực