Đảng ủy Tập đoàn Việt Nam lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị

Thứ sáu, 31/07/2015 10:12

(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2011-2015, Đảng ủy Tập đoàn Việt Nam đã lãnh đạo tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo đó hết năm 2014, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 33.964 MW và có dự phòng trên 20%, trong đó công suất nguồn điện do Tập đoàn sở hữu là 18.426 MW (chiếm 52,3% tổng công suất đặt hệ thống). Công tác điều hành cung ứng điện đã đáp ứng nhu cầu và mức tăng trưởng nhu cầu điện của nền kinh tế; huy động hợp lý các loại nguồn điện đạt hiệu quả kinh tế. Hệ thống điện được vận hành cơ bản ổn định, an toàn trong điều kiện truyền tải cao trên hệ thống Bắc-Nam. 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Tổng công ty
Phát điện 2 - (Ảnh CTV )
  

Tập đoàn đã ban hành Kế hoạch giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2011-2015, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh nên tỷ lệ điện năng dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối đã giảm đáng kể. Phấn đấu đến hết năm 2015 tổn thất điện năng là 8%. Nhiều Chương trình tiết kiệm điện đã được thực hiện trong các năm qua, do đó sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7%-2,5% sản lượng điện thương phẩm.

Đến nay khách hàng mua điện trực tiếp của EVN đạt 21,48 triệu khách hàng năm tăng 1,45 lần so với năm 2010 (bình quân tăng 7,72%/năm). Đánh giá mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện EVN tăng hàng năm và đạt 7,5/10 vào năm 2015. Thời gian phục hồi điện sau sự cố trong vòng 2 giờ. Chỉ tiêu tiếp cận điện năng giảm từ 155 ngày xuống còn 36 ngày.

Tập đoàn đã tập trung các nguồn lực vào đầu tư, phát triển các nhà máy điện, lưới điện theo Quy hoạch đã đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn là 479.620 tỷ đồng gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010 và đạt 95,7% kế hoạch được giao. Tập đoàn đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất: 9.852MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW. Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW đã chính thức khánh thành vào ngày 23/12/2012, vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội...Hoàn thành đóng điện 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km...

Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành nghị quyết về tối ưu hóa chi phí và đã triển khai trong 02 năm 2013 và 2014, góp phần quan trọng giúp nâng cao năng xuất lao động, giảm giá thành sản phẩm, sản xuất kinh doanh có lãi, cơ bản giải quyết xong các khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh của các năm trước để lại. Đến cuối năm 2014 doanh thu của Tập đoàn là 202.645 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2011. Tập đoàn luôn thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, nộp ngân sách nhà nước của Tập đoàn không ngừng tăng qua các năm.

Tập đoàn đã nỗ lực đầu tư hoàn thành vượt kế hoạch đưa điện về nông thôn, hải đảo vượt kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2014, tính chung trên cả nước đã đạt được 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Tham gia và hoàn thành các chương trình hỗ trợ 03 huyện nghèo Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ tỉnh Lai Châu giai đoạn 2009-2015, với tổng giá trị thực hiện là 510 tỷ đồng góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo.  

 

Công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á
 công suất 2.400MW, khánh thành vào ngày 23/12/2012,
vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. 

Công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 2014 đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn đầu tư vào bất động sản và một phần lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với tổng số tiền thu về là 958,318 tỷ đồng, đạt 49% số vốn phải thoái giảm. Tập đoàn đang tiếp tục thực hiện để trong năm 2015 sẽ hoàn thành công tác thoái giảm vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Tập đoàn đang tiến hành Nghiên cứu mô hình tổ chức của EVN phù hợp với lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện lực. Trong giai đoạn 2011-2015, nhiều đoàn kiểm tra của các Cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động của Tập đoàn trong các lĩnh vực tài chính, quân sự quốc phòng, đầu tư xây dựng, thu nhập tiền lương; quản lý và bảo vệ môi trường. Kết quả thanh, kiểm tra, giám sát của cấp trên đều đánh giá tích cực, hoạt động lành mạnh, quản lý tốt.

Chỉ đạo các đơn vị xây dựng Chương trình và tiến hành thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng ở tất cả các mặt quản lý. Qua việc thanh tra, kiểm tra đã kịp thời giúp các đơn vị phát hiện các sai phạm về nghiệp vụ, từ đó tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xây dựng biện pháp cụ thể để chấn chính, khắc phục. Những tập thể, cá nhân có sai phạm được phát hiện đều được đơn vị xử lý nghiêm túc. Các đơn vị đã giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng thẩm quyền và thời hạn quy định; thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung các văn bản Pháp luật và chỉ đạo của Tập đoàn về phòng, chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ công nhân viên từ Tổng công ty/Công ty đến các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội.

Những năm qua, mặc dù sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn đầu nhiệm kỳ, nguồn quỹ phúc lợi, khen thưởng tại các đơn vị rất hạn chế, song cấp ủy các cấp, lãnh đạo chuyên môn và các đoàn thể của các đơn vị đã chú trọng chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động. Vì vậy, việc làm của cán bộ, nhân viên, người lao động trong Tập đoàn luôn ổn định. Tiền lương, thu nhập của công nhân viên chức lao động năm sau tăng hơn năm trước, phù hợp với mức tăng năng suất lao động và chế độ tiền lương của nhà nước.

Công tác sắp xếp tổ chức, định biên lao động ở các đơn vị theo Đề án nâng cao hiệu quả quản lý lao động nhưng không làm ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người lao động. Các đơn vị đều làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền để cán bộ công nhân viên chức yên tâm công tác, đảm bảo đơn vị hoạt động ổn định. Thực hiện đúng các điều khoản trong các Thoả ước lao động tập thể được thông qua tại Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị người lao động hàng năm. Mối quan hệ lao động giữa người quản lý và người lao động hài hòa, ổn định không xảy ra tranh chấp về lao động.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được theo đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế, trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị: Một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đã ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện, gây nên tình trạng quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực. Kinh doanh viễn thông công cộng của Tập đoàn chưa hiệu quả. Sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn trong các năm đầu nhiệm kỳ (năm 2010, 2011) bị lỗ.

Về nhiệm vụ, chỉ tiêu giai đoạn 2015 – 2020, đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Đảm bảo mức tăng trưởng điện bình quân 10,5%-11%/năm. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tới năm 2020 khoảng 262-270 tỷ kWh, điện sản xuất của các nhà máy điện trong Tập đoàn chiếm khoảng 35-40% tổng nhu cầu. Đến năm 2020, hệ thống đường dây cấp điện áp từ 110 kV trở lên đảm bảo tiêu chí N-1. Giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối đến 2020 xuống còn 6,5%. Sản lượng điện thương phẩm bình quân đạt 2,5 triệu kWh/CBCNV vào năm 2020. Đến 2020, thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (chỉ số SAIDI) giảm xuống 400 phút. Chỉ số tiếp cận điện năng của Tập đoàn đến 2020 giảm xuống 18 ngày.Năng suất lao động bình quân hàng năm tăng từ 8%-10%. Đảm bảo huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng trên 600.000 tỷ đồng. Hoàn thành đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.819 MW. Đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách như: Thủy điện Lai Châu, các dự án thuộc Trung tâm Vĩnh Tân, Duyên Hải, Ô Môn. Chuẩn bị điều kiện khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận. Đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng mục tiên đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện.

Có thể khẳng định 5 năm qua (2015 – 2020) dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo cùng cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của Tập đoàn điện lực Việt Nam đã đoàn kết, đổi mới sáng tạo vượt qua khó khăn thách thức. Đặc biệt là giai đoạn đầu nhiệm kỳ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực