Ký hợp đồng thi công xây lắp công trình đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông

Thứ năm, 23/02/2012 16:27

(ĐCSVN) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) vừa tổ chức lễ ký kết hợp đồng xây lắp đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông.

Tham dự lễ ký có đại diện AMT và 15 nhà thầu tham gia thi công 16 gói thầu xây lắp dự án. Dự án đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông được xây dựng nhằm cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014-2015. Tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia giai đoạn sau 2015. Tăng cường liên kết lưới điện truyền tải ở cấp điện áp 500 kV, góp phần đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng-miền trên cả nước.

 

Đại diện Ban AMT và 15 nhà thầu tham gia thi công 16 gói thầu xây lắp ký hợp
đồng dự án (Ảnh Quang Thắng)
 


Dự án được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) làm chủ đầu tư, AMT thay mặt NPT quản lý dự án và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 4 là cơ quan tư vấn khảo sát thiết kế. Đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông được thiết kế 02 mạch, dài 437,514km, đi qua các huyện/thị xã thuộc 5 tỉnh và 1 thành phố gồm các tỉnh: Gia Lai chiều dài khoảng 82.708m, Đăk Lăk khoảng 75.100m, Đăk Nông khoảng 116.304m, Bình Phước khoảng 102.879m, Bình Dương khoảng 46.633m và thành phố Hồ Chí Minh khoảng 13.890m; Cải tạo đường dây 500 kV (mạch 2) hiện hữu lên 2 mạch với chiều dài khoảng 8.345m trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Đồng thời xây dựng mở rộng ngăn lộ 500 kV tại TBA 500 kV Pleiku và TBA 500 kV Cầu Bông; Theo kế hoạch, công trình dự kiến đóng điện đưa vào vận hành cuối năm 2013. Để đảm bảo cho tiến độ thi công và chất lượng công trình, đến tại thời điểm hiện tại AMT đã phối hợp với đơn vị Tư vấn và chính quyền địa phương các cấp để đo vẽ giải thửa, quyết định thu hồi đất, thành lập hội đồng đền bù, tổ chức công tác kiểm đếm, lập phương án đền bù, đồng thời tổ chức rà phá bom mìn để bàn giao tim mốc mặt bằng cho các đơn vị thi công.

Khối lượng chính của dự án gồm đào đắp 708.429m3 đất đá; đúc đổ 48.979m3 bê tông các loại; 4.486 tấn cốt thép móng; lắp dựng 37.738 tấn cột thép; 14.413 tấn dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và phụ kiện. Công trình có ,tổng mức đầu tư là 9.288 tỷ đồng, được thu xếp từ nhiều nguồn vốn của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và vốn vay tín dụng thương mại do NPT thu xếp.

Công trình được NPT giao cho các đơn vị xây lắp điện có kinh nghiệm tại Việt Nam đảm nhận thi công gồm: Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam, Công ty CP xây lắp điện 1, Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2, Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4, Công ty CP Sông Đà 11, Công ty CP Sông Đà 11 Thăng Long, Công ty CP Sông Đà 12, Công ty CP Thương mại Xây lắp Công nghiệp Thăng Long, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Trung, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á, Công ty TNHH điện địa phương, Công ty CP Lắp máy, Công ty CP Lắp máy và Xây dựng điện, Công ty CP Xây dựng và Xây lắp điện, Công ty Alphanam Cơ điện; Và giao các Công ty Truyền tải điện 3 và 4 phối hợp AMT tham gia công tác tư vấn giám sát, nhằm phấn đấu đưa công trình về đích đúng hẹn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực