“Lính truyền tải điện” - nghề ngốn sức, lại... kén người

Thứ bảy, 15/12/2012 20:31

(ĐCSVN) - Sống tập trung như lính trong doanh trại. Có đội 100% công nhân mắc sốt rét rừng, đi làm mang vác thiết bị, luồn rừng, leo núi hàng chục cây số. Cả tuần làm việc và ăn trưa trên đỉnh cột điện cao vài chục mét hay chịu cảnh “màn trời chiếu đất” như cơm bữa vào mùa mưa vì đường sạt lở. Đó chỉ là vài phác họa ban đầu về cái nghề nhọc nhằn mà cho đến nay vẫn chưa nhiều người hiểu hết – nghề quản lý vận hành lưới truyền tải điện quốc gia.

 

Công nhân EVNNPT sửa chữa đường dây 500 kV (Ảnh Lê Hoan)


Nghề ngốn sức…

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã dùng tới hai chữ “ngốn sức” để nói về công việc quản lý vận hành đường dây truyền tải, được xem là vất vả, nặng nhọc nhất trong các công việc của ngành Điện.
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, do các tuyến đường dây truyền tải điện đa phần đi qua các vùng núi hiểm trở, vùng sâu, vùng xa, khí hậu khắc nghiệt, nên điều kiện đi lại, làm việc và sinh hoạt của các đơn vị được phân công quản lý vận hành hết sức khó khăn. Để đảm bảo đường dây vận hành an toàn, mỗi tháng ít nhất 2 lần, mỗi tổ gồm 2 công nhân tỏa đi kiểm tra vào ban ngày hàng chục vị trí cột điện, còn mỗi quý kiểm tra vào ban đêm ít nhất 1 lần. Đấy là chưa kể kiểm tra trước và sau các dịp lễ tết, mưa bão. Vị trí cột đa phần tọa lạc những nơi xa đường cái, lọt giữa rừng già hoặc nơi có địa hình hiểm trở, có vị trí nằm chót vót trên đỉnh núi. Công nhân cùng với cả mớ đồ nghề lỉnh kỉnh mang theo phải dốc sức luồn lách, leo trèo hàng giờ đồng hồ mới tới chân cột. Tiếp cận “mục tiêu” đã gian nan, bắt tay vào việc cũng không hề dễ thở vì hết leo núi lại tiếp tục trèo cột điện cao hàng chục mét để kiểm tra, sửa chữa thiết bị. Ngoài ra, còn phải chặt cây, phát quang hành lang tuyến, ngăn chặn trẻ em thả diều, dân đốt nương rẫy trong hành lang an toàn. Việc kiểm tra định kỳ là thế, còn khi có sự vụ đột xuất thì phải lên đường bất kể ngày đêm, mưa nắng hay lễ, tết.

 

Khắc phục xử lý móng cột đường dây 500kV sau mưa lũ (Ảnh Lê Hoan) 


“Có lần giữa đêm mưa to gió lớn, cả đội lao vào rừng tìm kiếm vị trí sự cố suốt đêm mà chẳng thấy gì, hóa ra thiết bị giám sát ở trạm biến áp bị lỗi, báo sự cố giả. Lúc quay về thì lạc mất hai công nhân, bộ đàm, điện thoại ngấm nước mưa hỏng hết. Anh em lo lắng tột độ, lại lao vào rừng tìm kiếm. Mãi tới khi trời tảng sáng, hai người lạc mới tìm được đường ra. Hỏi mới biết anh em lạc vì cây đổ lấp mất lối đi.” - Anh Vi Văn Lâm – Đội trưởng Đội Truyền tải điện Na Hang (Tuyên Quang) bồi hồi kể lại. 

Anh Lâm tâm sự, thử thách khắc nghiệt còn
đến từ mỗi lần cắt điện đường dây để bảo dưỡng sửa chữa. Thường thời gian cắt điện để sửa chữa từ 4h sáng đến 16h chiều, công nhân phải dậy từ 3h sáng để chuẩn bị phương tiện, hậu cần và di chuyển tới nơi làm việc. Do phải tranh thủ tối đa thời gian nên anh em thường ăn trưa luôn trên đỉnh cột điện cao vài chục mét. Vào đợt sửa chữa kéo dài cả tháng trời, hàng ngày, công nhân phải liên tục trèo cột, đu dây từ 4h sáng đến 16h bất kể mọi điều kiện thời tiết. Mặt khác, các đội phải nấu cơm tại công trường, “anh nuôi” cũng rất vất vả leo núi, lội suối gánh cơm hàng cây số đến từng chân cột điện cho công nhân. Sau mỗi đợt như vậy, có anh em thậm chí người nhà không nhận ra nổi vì nhìn quá lam lũ.

… lại kén người

Vất vả, nặng nhọc là thế, nhưng cái nghề đường dây lại rất kén người và không ngoa khi nói, nghề này cũng “có thời” chẳng khác vận động viên chơi những môn thể thao cần sức mạnh như: cử tạ, leo núi. Công nhân trẻ Khổng Trọng Văn – Đội đường dây Na Hang tếu táo chia sẻ: Chỉ có phái mạnh mới làm nổi “lính” truyền tải và chỉ “chinh chiến” giỏi được khi còn trai tráng. Muốn vào nghề, điều kiện ban đầu là phải thạo về điện, có sức khỏe tốt. Ai thấp bé, nhẹ cân hay yếu tim, sợ độ cao sẽ không làm nổi. Khi vào làm rồi sẽ được bổ túc chuyên ngành truyền tải điện, y tế,… Ai chưa biết bơi phải học bơi để thi lấy chứng chỉ. Một năm hai lần, công nhân được khám sức khỏe định kỳ, làm việc ở độ cao trên 50m phải kiểm tra sức khỏe ngay tại chân cột.

Công nhân Khổng Trọng Văn cho biết: Để quản lý vận hành đường dây an toàn, liên tục, chỉ riêng sức anh em trong ngành chưa đủ, mà cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và người dân, nhất là việc phát hiện, cấp báo sự cố cho đội. Muốn dân giúp mình thì phải giỏi tuyên truyền, dân vận khéo, khó nhất là ở khâu giao tiếp bằng tiếng địa phương vì địa bàn đội quản lý (gồm 2 huyện Na Hang và Chiêm Hóa) có tới 16 dân tộc khác nhau.

 

Đại diện công đoàn EVNNPT thăm và tặng quà cho đội đường dây Na Hang -
Truyền tải điện Thái Nguyên. (Ảnh Lê Hoan)


Không ngại khổ, chỉ sợ… cô đơn

Tìm hiểu sâu hơn về cái nghề khắc nghiệt này, chúng tôi khám phá ra nhiều điều thú vị và rất đáng suy ngẫm. Theo Đội trưởng Vi Văn Lâm, quản lý vận hành đường dây là cái nghề thầm lặng vì toàn làm việc nơi rừng rú hoang vu, hẻo lánh. Chẳng trách ngay cả người dân quanh nơi các đội đường dây đóng trụ sở cũng rất mơ hồ. Có người còn nghĩ công nhân truyền tải sướng vì sinh hoạt tập trung, tối tối đàn hát rôm rả, đi làm có ô tô đưa đón. Không làm trong ngành thì ít người biết đấy là những anh “lính” rắn rỏi, can trường, yêu đời nhưng rất thiếu thốn tình cảm gia đình vì đa số anh em đều công tác xa nhà, nhiều người quê mãi Hà Tĩnh, Nghệ An… nhưng làm việc tận Lào Cai, Hà Giang.

 

Công nhân truyền tải đi kiểm tra định kỳ đường dây tải điện (Ảnh Lê Hoan) 


Đã có trường hợp một số anh em công nhân trẻ làm việc rất hăng hái bỗng một ngày đùng đùng bỏ đội về quê. Đội trưởng phải lặn lội về tận quê tìm, thuyết phục, động viên hết lời mới quay lại làm việc. Tìm hiểu ra mới vỡ lẽ, anh em không ngại gian khổ, vất vả mà chỉ sợ cảm giác cô đơn và nhớ nhà da diết.

Nắm bắt được tâm lý này, lâu nay, lãnh đạo ngành đặc biệt ủng hộ xu hướng anh em kết hôn với người địa phương hoặc với đồng nghiệp nữ (làm việc ở trạm biến áp hoặc công việc gián tiếp ở các đội). Các trường hợp anh em có gia đình mà chưa có nhà ở sẽ được ưu tiên bố trí phòng ăn ở, sinh hoạt riêng (điều này giải thích vì sao trong các đội, trạm điện vùng cao, vùng khó khăn có cả phụ nữ, trẻ em!). Đây là cách tốt nhất giúp anh em ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, gắn bó lâu dài tại đơn vị.

Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng hiện nay, đời sống của công nhân cũng còn nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc EVNNPT, giá truyền tải quá thấp (chỉ chiếm 6-7% giá điện), hoạt động sản xuất kinh doanh hầu như không có lãi, EVNNPT không có quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển. Đây là nguyên nhân chính khiến điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động tại các đội đường dây, trạm biến áp hiện còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc bổ sung, thay thế thiết bị thí nghiệm, phương tiện chuyên chở công nhân đòi hỏi cấp bách song chưa cân đối được kinh phí. Vì vậy, trong thời gian tới, cần sớm điều chỉnh phí truyền tải theo hướng hợp lý hơn, đảm bảo cho doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực