Nhà máy phân bón DAP Hải Phòng: chủ động nguồn điện cho sản xuất

Thứ hai, 28/11/2011 08:55

(ĐCSVN) - Để chủ động nguồn điện cho sản xuất – kinh doanh, Nhà máy phân bón DAP- Vinachem (đứng chân tại Đình Vũ, Quận Hải An, TP.Hải Phòng, thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đã đầu tư xây dựng Nhà máy phát điện tận dụng hơi nước trong quá trình sản xuất.

 

 Phân xưởng sản xuất axit sufuric cung cấp
 một lượng lớn hơi nước chạy tua bin máy phát điện

 Nhà máy sản xuất phân bón DAP Vinachem (có công suất 330.000 tấn sản phẩm/năm) bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Từ khi hoạt động cho đến nay, Nhà máy đã cung cấp cho thị trường khoảng 400.000 tấn  sản phẩm. Do đặc thù của dây chuyền công nghệ sản xuất phân bón DAP, mỗi lần khởi động máy mất rất nhiều thời gian và phải chạy máy liên tục. Chỉ trong 10 tháng năm 2011, Nhà máy đã tiêu thụ khoảng 55 triệu kWh điện. Theo các kỹ sư ở đây, Nếu Nhà máy gặp tình trạng mất điện đột ngột hoặc kéo dài, sẽ gây lãng phí nguyên vật liệu, năng lượng, gây hỏng thiết bị. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành Nhà máy và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Chính vì nhu cầu về điện cho Nhà máy rất lớn và cần tính ổn định rất cao nên ngay từ khi lập dự án xây dựng Nhà máy, Vinachem đã chọn phương án xây dựng một nhà máy điện nhỏ để chủ động nguồn điện cho sản xuất.

Nhà máy phát điện của Nhà máy DAP Hải Phòng được xây dựng ngay bên cạnh các phân xưởng chính sản xuất các sản phẩm DAP, axit sunfuric và axit photphoric; Nhà máy phát điện có công suất 12MW, có nhiệm vụ cung cấp điện cho cả ba dây chuyền sản xuất này.

Về cấu tạo, Nhà máy phát điện có 2 lò hơi gồm một lò hơi đốt than và một lò hơi thu hồi nhiệt thừa từ đốt lưu huỳnh công suất 64 tấn/giờ. Cứ 5,8 tấn hơi thì cho ra 1 MWh điện. Hai lò hơi này cung cấp đủ hơi nước cho sản xuất và tuabin hơi phát được khoảng 9-10 MW điện mỗi giờ, gần đủ điện năng cho toàn Nhà máy. Hiện nay, điện năng cung cấp cho sản xuất của Nhà máy gồm nguồn tự sản xuất được và nguồn lấy từ điện lưới quốc gia. Từ đầu năm đến nay, bộ phận phát điện của Nhà máy đã sản xuất được trung bình 122 MWh/ngày và nhận điện từ lưới điện quốc gia trung bình 62 MWh/ngày”.

Được biết, chi phí đầu tư xây dựng cho Nhà máy điện vào khoảng 200 tỉ đồng, tuy chi phí xây dựng này khá lớn, nhưng bù lại, Nhà máy DAP Hải Phòng chỉ phải đóng khoảng từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỉ đồng tiền điện/ tháng (giai đoạn đầu năm 2011), trong khi nếu không có máy phát điện, đơn vị sẽ phải trả khoảng từ 5 tỷ đồng đến 6 tỉ đồng tiền điện/ tháng.

Trong mùa khô năm 2011, Nhà máy DAP Vinachem là một trong 67 doanh nghiệp trọng điểm của TP Hải Phòng phải tiết giảm điện năng. Lượng điện phân bổ cho Nhà máy DAP chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện sản xuất. Chính vì vậy, lượng điện tự sản xuất tại Nhà máy đóng vai trò cực kỳ quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm số tiền điện phải đóng hàng tháng mà còn giúp ổn định sản xuất trong những thời điểm thị trường đang rất cần phân bón DAP.

Mặc dù đã chủ động được một phần nguồn điện cho sản xuất, Nhà máy DAP-Vinachem vẫn chú trọng tới các giải pháp tiết kiệm điện để giảm chi phí nhằm giảm giá thành sản phẩm. Trong hoạt động sản xuất, đơn vị đã giảm tiêu hao điện năng bằng cách đưa ra phương thức vận hành hợp lý giữa các bộ phận bảo đảm cân bằng điện năng; dẫn động các thiết bị quay có công suất lớn bằng tuabine hơi (không sử dụng động cơ điện), trang bị biến tần cho các động cơ, sử dụng thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện, ưu tiên tối đa cho phát điện phục vụ sản xuất… Bộ phận điều độ sản xuất phải theo dõi, cân bằng lượng điện từ nguồn tự sản xuất và nguồn điện lưới quốc gia, nhằm cố gắng nhận điện lưới ở mức thấp nhất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực