Tiếp tục phát huy những bài học từ thắng lợi của ngày 23/8/1945

Chủ nhật, 23/08/2015 20:53

Hòa chung khí thế cách mạng của cả nước, ngày 23/8/1945, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu đã nhất tề đứng lên đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp, mở ra giai đoạn cách mạng mới. Mặc dù sự kiện lịch sử ấy đã 70 năm qua, nhưng những bài học để lại vẫn còn nguyên giá trị trong xây dựng và phát triển Bạc Liêu hôm nay.

 

  TP. Bạc Liêu ngày nay.

Sáng 23/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu, Ủy ban Mặt trận Việt Minh (UBMTVM) tỉnh đã huy động đông đảo lực lượng cách mạng gồm các tổ chức cứu quốc, nhân sĩ, trí thức, công chức, viên chức, lực lượng thanh niên tiền phong, binh lính trong Đại đội lính Cộng hòa vệ binh có tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân trong tỉnh kéo đến bao vây dinh Tỉnh trưởng Trương Công Thiện, buộc Thiện phải giao chính quyền cho cách mạng. Lực lượng cách mạng hô vang khẩu hiệu: Đả đảo bọn bù nhìn tay sai Nhật! Chính quyền về tay nhân dân!”. Trước khí thế cách mạng của nhân dân, tên tỉnh trưởng bù nhìn buộc phải tuyên bố đầu hàng và giao chính quyền tỉnh Bạc Liêu cho nhân dân.

Thắng lợi ngày 23/8 trên quê hương Bạc Liêu đã cho chúng ta bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân. Thực chất bài học này bắt nguồn từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò quyết định lịch sử của quần chúng nhân dân và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam thể hiện qua tư tưởng “Dân là gốc” với câu nói nổi tiếng Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân chính là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.

Gắn liền với bài học thứ nhất đó là bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Tỉnh ủy lâm thời đã rất đúng đắn khi quyết định thành lập UBMTVM của tỉnh vào ngày 17/8/1945, tập hợp được hầu hết những đại diện ưu tú nhất của các giai tầng trong tỉnh như nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các tổ chức quần chúng yêu nước, đặc biệt MTVM tỉnh còn vận động được cả những thanh niên tiền phong, binh lính cộng hòa vệ binh đã giác ngộ cách mạng đứng vào hàng ngũ của quần chúng nhân dân. Chính khối đại đoàn kết dân tộc này đã làm cho sức mạnh quần chúng nhân dân được nhân lên gấp bội.

Bài học thứ ba là phát huy tối đa sức mạnh của công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao và mở rộng lực lượng giác ngộ cách mạng. Trước, trong và sau ngày 23/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời cùng với UBMTVM tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú như ra tờ báo “Độc lập”; rải truyền đơn, treo cờ Đảng búa liềm, băng-rôn, áp-phích, hô khẩu hiệu trong quá trình tuần hành… Và bài học thứ tư hết sức quan trọng chính là vai trò lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng mà trực tiếp là Tỉnh ủy lâm thời. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Tỉnh ủy lâm thời đã có sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời để huy động sức mạnh của nhân dân, khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là việc lãnh đạo chớp thời cơ cách mạng để giành chính quyền về tay nhân dân.

Những bài học quan trọng nêu trên đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử của nó trong xây dựng và phát triển quê hương Bạc Liêu hôm nay. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp phải thật sự coi trọng và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, biết dựa vào nhân dân để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu, động lực cho hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Chỉ khi nào lợi ích của Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể thống nhất với lợi ích của nhân dân thì cách mạng mới thắng lợi, sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương mới thành công. Và khi đã thành ý chí, hành động của nhân dân thì sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra./. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực