Từ ngày 1/9/2011, giá bán điện có thể được điều chỉnh ba tháng một lần

Thứ năm, 25/08/2011 11:49

(ĐCSVN) - Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 31 quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản. Đây là bước tiếp theo nhằm cụ thể hóa Quyết định 24 do Thủ tướng ban hành ngày 15/4 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/9/2011.

 

Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng, thay vì chỉ điều chỉnh mỗi năm một lần như hiện nay.
 (Ảnh: Trang tin Điện lực)

Theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng, nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường là thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng, thay vì chỉ điều chỉnh mỗi năm một lần như hiện nay. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác để giảm thiểu tác động đến kinh tế xã hội và đời sống người tiêu dùng... Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường phải được thực hiện công khai, minh bạch.

Theo đó, giá điện sẽ được tính toán kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản gồm tỷ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua. Trước ngày 20 hàng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực tế được xác định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào ở trên.

Đối với trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản bằng hoặc lớn hơn 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá bán điện bình quân được điều chỉnh trên nguyên tắc: Đối với trường hợp chi phí đầu vào tăng 5%, EVN được điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng, sau khi đăng ký với Bộ Công Thương và được chấp thuận.

Nếu chi phí tăng trên 5%, EVN cần báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính thẩm định. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được tờ trình của EVN, Bộ Tài chính - Công Thương có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến của mình. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp và trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Nếu Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến trả lời, sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương trình phương án điều chỉnh giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức 5%.

Đối với trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản nhỏ hơn 5% so với giá bán điện hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tính toán phân bổ vào giá bán điện bình quân chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện để điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng tối đa 5% và thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo quy định.

Thông tư 31 của Bộ Công Thương cũng cho phép thành lập quỹ bình ổn giá bán điện. Nguồn hình thành quỹ được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện...

Trước ngày 25 hằng tháng, EVN phải báo cáo Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương kế hoạch vận hành điện tháng tiếp theo làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát, điều chỉnh giá điện và phân tích chênh lệch cơ cấu sản lượng phát thực tế. Trước ngày 15/11 hằng năm, EVN cần trình Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch sản xuất điện và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của năm tiếp theo. Ngoài ra, Thông tư 31 cũng quy định, trước ngày 1/6 hằng năm, EVN cần báo cáo Liên bộ Tài chính - Công Thương báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán độc lập, giá thành sản xuất kinh doanh điện các khâu và giá bán điện của năm tài chính...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực