Xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực sông Hương - sông Bồ

Chủ nhật, 19/06/2011 10:55

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 công trình thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn; trong đó dự án thuỷ điện Bình Điền (công suất 44 MW) đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 5/2009; các dự án còn lại đang trong quá trình hoàn thiện và tích nước.

Cụ thể, Thuỷ điện Hương Điền (81 MW) nằm đầu nguồn sông Bồ đã phát tổ máy số 1, 2; thuỷ điện A Lưới (170MW), hoàn thành khoảng 80% công việc, dự kiến tích nước vào quý IV/2011, phát điện năm 2012; thuỷ điện A Lin B1(40MW), do Công ty Cổ phần thuỷ điện Trường Phú làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 30/8/2010, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2012-2013.

Điều đáng quan tâm là tất cả các dự án nói trên đều nằm trên lưu vực các con sông Hương và sông Bồ. Mùa lũ năm 2009 và 2010 vừa qua, thuỷ điện Bình Điền và Hương Điền thực hiện xả lũ theo quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và yêu cầu xả lũ khẩn cấp của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế. Kết quả là các đợt lũ vào tháng 9, 10/2010 đã cắt giảm mực nước trên sông Bồ và sông Hương dưới mức báo động 2, 3 và không gây ngập lụt cho hạ du.

Tuy nhiên, việc tích nước sớm và xả lũ khi lũ về của một số công trình thuỷ điện nếu không có quy trình vận hành liên hồ chứa có thể gây lũ lớn cho vùng hạ du. Đã có lúc, các công trình hồ chứa đều đồng loạt xả lũ cùng lúc, hậu quả là sẽ gây ngập lụt cho hạ lưu các con sông.

Theo các nhà chuyên môn, hồ thuỷ điện có vai trò như một hồ chứa nước có hệ thống vận hành để điều tiết. Để vận hành hồ một cách khoa học, nó đòi hỏi công tác dự báo thời tiết mưa lũ chính xác, điều tiết nước đến và đi đúng quy trình... Để làm tốt công tác này đòi hỏi trách nhiệm cao của nhà đầu tư, của chính quyền, các ngành các cấp liên quan trong công tác phối hợp để xây dựng hệ thống quan trắc thuỷ văn, thu thập dữ liệu, xây dựng qui trình, theo dõi diễn biến của thời tiết nhằm vận hành hợp lý và quản lý vận hành một cách nghiêm ngặt.

Như vậy, việc lập quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện của nhà đầu tư được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Cũng cần đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm để xem xét, rà soát lại quy trình vận hành, không phải chỉ quy trình vận hành đối với các hồ thuỷ điện riêng biệt. Bởi ngoài qui trình vận hành của từng hồ thuỷ điện, cần sớm xây dựng và thực hiện qui trình vận hành liên hồ trên địa bàn để vận hành và quản lý một cách tổng thể, khoa học và hiệu quả hơn.... Điều quan trọng là việc bố trí xả lũ phải vận hành theo phương án so le giữa các hồ chứa, muốn vậy phải có quy trình vận hành liên hồ chứa mới phát huy hiệu quả của các hồ chứa thuỷ điện trong việc giảm tần suất lũ cho vùng hạ lưu.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực