Xuân mới trên bản tái định cư

Thứ sáu, 25/02/2011 10:05

Đường vào bản Mường Chiên giờ đã phẳng phiu, rộng rãi với 2 làn xe tránh nhau thoải mái. Chợ Bình Thuận họp ngay đầu bản, ngoài sản vật của địa phương như lá dong, khoai sọ, măng khô, nai, bò khô, chợ còn bày bán các thứ y hệt dưới xuôi…

Bà con đã quen với việc chăm sóc cây chè, cây cà phê - Ảnh Chinhphu.vn

Trong tiết trời Xuân đậm cái rét của gió mùa, đến thăm một số khu tái định cư Thủy điện Sơn La, chúng tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày. Bà con đã làm quen với việc gieo trồng theo thời vụ, biết chăm sóc cây con có bài bản, nên cuộc sống đã ổn định và sung túc.

Ra khỏi vùng sương mù đặc quánh Thung Khe, Thảo nguyên Mộc Châu ùa ra trước mắt với trắng muốt hoa mận, hoa mơ chen lẫn hoa đào hồng thắm.

Ông Nguyễn Ngọc Toa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, lãnh đạo Tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp lo tết chu đáo cho bà con. Ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Tỉnh đã cử các đoàn công tác về thăm và tặng quà các gia đình nghèo, các gia đình chính sách. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau song chủ trương chung của Tỉnh là bà con được vui đón xuân mới.

Đường vào bản Mường Chiên giờ đã phẳng phiu rộng rãi với 2 làn xe tránh nhau thoải mái, chợ Bình Thuận họp ngay đầu bản, ngoài sản vật của địa phương, như lá dong khoai sọ mán, măng khô, nai, bò khô,… chợ còn bày bán các thứ y hệt dưới xuôi. Nhiều bà mẹ trẻ địu con đi sắm tết, từ ánh mắt đến làn môi đều ánh lên niềm vui.

Ông Lò Văn Lự, Trưởng bản Mường Chiên, xã Phổng Nái, huyện Thuận Châu đưa chúng tôi tới thăm nhà anh Lò Văn Hùng. Đó là một ngôi nhà sàn bằng gỗ khang trang, gọn gẽ được làm theo kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, quanh nhà có tới vài chục gốc mận nở rộ hoa.
Gia đình anh chuyển từ Quỳnh Nhai đến đây đã được hơn 3 năm. Cũng như 65 hộ dân đến tái định cư trong bản, gia đình anh đã dần quen với cuộc sống trên quê hương mới. Trước khi chuyển về, gia đình anh rất lo bởi không biết sẽ làm ăn sinh sống ra sao, nhưng đến giờ, đã yên tâm và tích cực lao động sản xuất.

Với 5.000m2 đất được giao sản xuất, gia đình anh đã trồng chè, trồng cà phê và chăn nuôi lợn gà. Gia đình anh được chính quyền địa phương hướng dẫn kỹ thuật, được bà con chia sẻ kinh nghiệm.

Mỗi năm gia đình anh cũng thu được hơn 50 triệu đồng từ chè, cà phê và chăn nuôi. Đây là thành quả ban đầu, động viên gia đình anh cũng như bà con trong bản quyết tâm tạo dựng cuộc sống trên quê hương mới.

Tôi hỏi Hùng: ”Vợ con đi đâu mà nhà cửa vắng hoe?” Hùng cười hiền: “Các con đi học, vợ vào rừng lấy lá dong về gói bánh cúng ông bà rồi”. Chị Đào, cán bộ tái định cư giải thích, cứ vào tháng Chạp, người phụ nữ Thái lại vào rừng lấy lá dong, củi, lạt, lựa chọn gạo, đỗ chuẩn bị làm bánh.

Nhờ chăn nuôi theo phương pháp mới nên Tết này gia đình anh Lò Văn Lịch đã xuất chuồng 10 con lợn - Ảnh Chinhphu.vn


Anh Lò Văn Lịch, Bí thư chi bộ bản Mường Chiên cho biết thêm, Mường Chiên vừa kiện toàn bộ máy chính quyền có trưởng bản, bí thư chi bộ, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi. Cả 65 hộ dân trong bản cam kết thực hiện “4 không” (không sử dụng, tàng trữ, mua bán và vận chuyển ma túy).

Điều đáng mừng hơn cả là bà con sở tại rất nhiệt tình giúp đỡ các gia đình tái định cư. Gia đình nào có khó khăn, bà con đều xúm vào giúp, tình làng nghĩa xóm nơi quê mới càng thêm gắn bó.

Bà Lò Thị Búm, một hộ dân trong bản cho biết, chồng bà vừa qua đời vì bệnh nặng. Hôm ông mất, cán bộ và bà con trong bản đã giúp đỡ lo việc hậu sự rất chu đáo.

Bà tâm sự, tất cả chính sách, chế độ của Nhà nước, gia đình bà đều được hưởng giống như mọi người trong bản. “Đón xuân này no đủ và ấm cúng hơn khi đàn lợn nái trong chuồng mới đẻ và vài ba chục con, lợn thịt cũng ngót 8-9 chục cân. Đó là chưa kể hàng trăm gà, vịt đang cho trứng”, bà hồ hởi.

Cũng như Mường Chiên, cuộc sống của bản “tái định cư” Tân Quỳnh, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cũng có nhiều khởi sắc. Vùng đất này hợp với cây ngô nên vụ vừa qua có nhà lời tới vài trăm triệu đồng.

Cụ Tòng Văn Hở cho biết, ở bản cũ chỉ biết đốt rừng trỉa bắp, săn bắn, giờ về bản mới làm theo hướng dẫn của cán bộ huyện trồng ngô để chăn nuôi nên nhiều gia đình trong bản đã có cuộc sống sung túc.

“Tết ở khu mới này rất vui, cũng mổ lợn mổ gà cúng ông bà. Các cháu múa xòe vui lắm. Có nhớ quê cũ đấy. Bây giờ về quê mới rồi, phải xây dựng để tốt đẹp hơn”, cụ bày tỏ.

Cánh đồng ngô xanh mướt - Ảnh Chinhphu.vn


Ông Đỗ Văn Điều - Phó Trưởng Ban quản lý Dự án tái định cư huyện Mai Sơn cho biết, đời sống của người dân sau khi tái định cư nhìn chung ổn định. Phong tục cũ vẫn được lưu truyền, gìn giữ và phát huy.

“Tết này bản sẽ tổ chức theo truyền thống của mình, như tổ chức ném còn, bà con mổ lợn mời nhau đến uống rượu rồi trao đổi rút kinh nghiệm một năm qua. Bản nào có truyền thống nào thì vẫn giữ nguyên truyền thống của nơi cũ”, ông Điều nói.

Chia tay với đồng bào dân tộc các tỉnh Sơn La, nhường đất cho dự án thủy điện lớn nhất đất nước trên dòng chính sông Đà, chứng kiến sự hồi sinh của nhiều vùng đất dành cho tái định cư, mới thấm thía chiến lược xây dựng thủy điện là công trình đa mục tiêu, đa lợi ích.

Dù biết là chưa hết khó khăn đối với đồng bào tại các điểm tái định cư song lòng chúng tôi ấm lại bởi mùa xuân mới này bà con được quan tâm chu đáo và hơn hết là bà con đã bắt đầu quen hơi bén rễ an cư trên quê hương mới.

Để xây dựng được Nhà máy Thủy điện Sơn La có tổng công suất 2.400MW, cung cấp cho đất nước khoảng 10 tỷ kWh điện mỗi năm, đã có hơn 18.000 hộ dân thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu nhường đất cho dự án.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực