Afghanistan: Những ẩn số khó đoán

Thứ tư, 25/08/2021 16:56
(ĐCSVN) – Sau 20 năm chìm trong bất ổn, sự kiện Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan lại một lần nữa đặt số phận quốc gia Tây Nam Á này đứng trước ngã rẽ với những ẩn số khó đoán.

Đằng sau cuộc tháo chạy của người dân…

Hàng nghìn người đổ dồn về sân bay Kabul tìm cơ hội tháo chạy, sân bay Kabul hỗn loạn. (Video: USA Today) 

Từ nhiều ngày qua, hình ảnh về những cuộc tháo chạy ở sân bay Kabul đã tô đậm tình cảnh của đất nước Afghanistan đang chìm đắm trong nhiễu nhương và loạn lạc. Nhiều phụ nữ Afghanistan sợ hãi ném những đứa con bé bỏng của mình qua hàng rào gai thép tại một khu nhà ở sân bay Kabul để viện cầu sự cứu giúp, một bé gái hai tuổi đã bị đám đông giẫm đạp tới chết khi cùng gia đình tới sân bay Kabul để tìm đường sơ tán … Nhiều người phải chấp nhận đánh cược mạng sống, chịu cảnh chia lìa chỉ để có được cơ hội, dù là mong manh để chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi về sự kiểm soát hà khắc của chính quyền mới.

Giai đoạn 1996-2001, Taliban nắm quyền lãnh đạo Afghanistan và đó là một quá khứ đau thương mà không ai muốn nhắc tới. Trong thời gian đó, phụ nữ thường bị cấm đi học hoặc đi làm xa gia đình. Họ phải mặc những bộ trang phục burqa trùm kín toàn thân và phải có một người thân là nam giới đi cùng mỗi khi ra ngoài. Theo quy định của Taliban, âm nhạc bị cấm, kẻ trộm bị chặt tay và những kẻ ngoại tình thì bị ném đá…

Sau sự sụp đổ của Taliban vào năm 2001, những tiến bộ dân chủ ở Afghanistan đã dịch chuyển dù rất chậm. Rất nhiều phụ nữ được đi học đại học, có quyền bầu cử và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong tư pháp, truyền thông, chính trị và lực lượng an ninh. Tuy nhiên, sau ngày 15/8, tất cả những tiến bộ còn ít ỏi đó bỗng có nguy cơ bị đảo ngược.

Trong lần trở lại này, Taliban muốn được đón nhận như một lực lượng hợp pháp và cũng tuyên bố rằng, họ không muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập. Taliban đã cố gắng thể hiện một cách nhìn ôn hòa hơn với lời hứa sẽ tôn trọng quyền phụ nữ, tha thứ cho những người đã từng chiến đấu chống lại Taliban và không cho phép Afghanistan trở thành bàn đạp cho các cuộc tấn công khủng bố, không muốn trở thành kẻ thù của bất cứ ai... Tuy nhiên, những gì đã diễn ra từ 20 năm trước vẫn còn là nỗi ám ảnh chưa nguôi và người dân Afghanistan đang hoài nghi về một lời hứa lặp lại. Những lời hứa cũng đã từng được Taliban nói đến khi giành quyền kiểm soát Kabul vào năm 1996, song những gì mà người dân Afghanistan nhận lại chỉ là sự bội ước.

… là đất nước trượt dài bất ổn

An ninh mong manh

Thỏa thuận hòa bình ký kết giữa Mỹ và Taliban năm 2020 có một điều khoản quan trọng, đó là Taliban cam kết sẽ không để Afghanistan trở thành căn cứ thực hiện các vụ tấn công nhằm vào nước khác. Tuy nhiên, các tướng lĩnh quân sự Mỹ hiện đang rất quan ngại về vấn đề này.

Ngay từ đầu năm 2021, các nhà lãnh đạo cấp cao của Lầu Năm góc đã lo lắng về việc các nhóm cực đoan như Al-Qaida có thể tái trỗi dậy ở Afghanistan, thậm chí là nhanh hơn dự báo. Afghanistan cũng là nơi có lực lượng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thực hiện làn sóng tấn công khủng khiếp nhằm vào nhóm thiểu số Shiite tại nước này trong những năm gần đây. Taliban đã lên án các cuộc tấn công như vậy và hai nhóm đã từng xảy ra một số cuộc giao tranh. Tuy nhiên, liệu chính phủ mới của Afghanistan, dưới vai trò dẫn dắt của Taliban sẽ sẵn sàng hành động ở mức độ nào để hiện thực hóa những cam kết chống khủng bố vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Kịch bản nội chiến hiện hữu

Người biểu tình ở thành phố Jalalabad của Afghanistan ngày 18/8 - Ảnh: Reuters 

Những cuộc giao tranh để giành ưu thế trên thực địa giữa lực lượng Taliban và quân kháng chiến ở Panjshir diễn ra ác liệt trong nhiều ngày qua cho thấy quốc gia Nam Á này đang tiến gần một cuộc nội chiến.

Ahmad Massoud - một trong các thủ lĩnh phong trào chống đối việc Taliban giành chính quyền, vừa cảnh báo nguy cơ nội chiến mới ở Afghanistan nếu không có một thỏa thuận chia sẻ quyền lực toàn diện. Ông Massoud mới đây nói với kênh truyền hình Al Arabiya TV có trụ sở ở Dubai rằng chiến tranh là "không thể tránh khỏi" nếu Taliban từ chối đối thoại.

Trong khi đó, Taliban cũng tỏ rõ thái độ không khoan nhượng. Trong tuyên bố được phát qua mạng xã hội Twitter ngày 23/8, lực lượng Taliban xác nhận đã cử "hàng trăm chiến binh" đến thung lũng Panjshir để "thiết lập quyền kiểm soát sau khi chính quyền địa phương từ chối chuyển giao quyền lực một cách hòa bình".

Không chỉ vấp phải sự kháng cự của quân kháng chiến, Taliban còn đang đối mặt với phong trào biểu tình đang ngày càng lan rộng tại nhiều thành phố trên cả nước. Nhiều người dân Afghanistan phản đối việc Taliban quay trở lại nắm quyền và tuyên bố sẽ không chấp nhận điều này bằng mọi giá.

Khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng

Theo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), hiện 100% đất đai tại Afghanistan đang bị khô hạn, từ mức độ vừa phải đến nghiêm trọng. Dự báo vụ lúa mì của Afghanistan sẽ giảm gần 2 triệu tấn và hơn 3 triệu vật nuôi có nguy cơ bị chết.

Đồng quan điểm trên, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, hạn hán đang trở thành nguyên dân dẫn tới bất ổn an ninh, gây ra các vấn đề về sức khỏe đối với người dân Afghanistan. Hiện dân số của Afghanistan là 30 triệu người, trong đó thì có tới hơn 50% sống dưới mức nghèo khổ và 11 triệu người phải đối mặt với tình cảnh mất an ninh lương lực nghiêm trọng. Trong năm 2020, có tới 3,35 triệu trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú tại Afghanistan (chiếm hơn 10% dân số nước này) cần hỗ trợ dinh dưỡng.

Không chỉ hạn hán và nạn đói, cũng như nhiều nước khác thế giới, Afghanistan đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hiện quốc gia này đang đứng thứ 33 châu Á về số ca nhiễm COVID-19. Tình hình trong những ngày tới dự kiến sẽ còn diễn biến phức tạp khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hai lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh tại Afghanistan sau cuộc chính biến.

Kinh tế bị bóp nghẹt

Hôm 18/8, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady cho biết Taliban sẽ chỉ có quyền tiếp cận một phần nhỏ trong số 9 tỉ USD dự trữ quốc tế của nước này, hiện được gửi trong các ngân hàng ở Mỹ.

Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ J.Biden cũng đã đóng băng các quỹ của Afghanistan. Động thái này có nguy cơ bóp nghẹt nền kinh tế của Afghanistan, một quốc gia nghèo khó vẫn phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ và quốc tế.

Ngoài quyết định của chính phủ Mỹ, một loạt các nước khác trong đó có Đức cũng tuyên bố ngừng viện trợ phát triển cho Afghanistan. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/8 cũng thông báo sẽ không giải ngân 450 triệu USD từ các quỹ đã có kế hoạch chuyển cho Afghanistan. 

Với phần lớn dự trữ ngoại tệ không thể tiếp cận và các nhà tài trợ phương Tây - những người tài trợ cho các tổ chức của Afghanistan khoảng 75% kinh phí- đã cắt hoặc đe dọa cắt các khoản chi, các nhà cầm quyền Taliban mới của Afghanistan nhiều khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, nhóm Hồi giáo theo chủ nghĩa cứng rắn này đã chuyển sang hoạt động độc lập hơn với những nhà ủng hộ tài chính từ bên ngoài. Tuy nhiên, với dòng tài chính nhận được là 1,6 tỷ USD vào năm ngoái, Taliban được dự báo là vẫn chưa thể đáp ứng mức cần thiết để lãnh đạo đất nước. 

Nguy cơ bị cô lập

Ngay sau khi giành chính quyền ở Afghanistan, phong trào Taliban đã cố gắng thể hiện một hình ảnh khác để trấn an dư luận, mà xa hơn nữa là tránh kịch bản bị cô lập. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn tỏ ra thận trọng, tuyên bố “không vội” công nhận chế độ Taliban và sẽ quyết định phụ thuộc vào hành động thực tế của Taliban khi điều hành đất nước.

Trước việc Taliban liên tục đánh chiếm được nhiều địa phương tại Afghanistan, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Taliban sẽ phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế nếu lực lượng này trở lại nắm quyền bằng vũ lực. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell khẳng định, nếu nắm quyền bằng vũ lực và thiết lập lại một vương quốc Hồi giáo tại Afghanistan, Taliban sẽ đối mặt với việc không được công nhận, bị cô lập, thiếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời đối mặt với nguy cơ xung đột và bất ổn kéo dài trong nước. Ông Borrell nhấn mạnh, điều kiện để EU tiếp tục hỗ trợ Afghanistan là các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình và toàn diện, tôn trọng các quyền cơ bản của mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và các nhóm thiểu số.

Trong thông điệp phát đi ngày 22/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, việc nước này có áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Taliban hay không còn thuộc vào lối hành xử của lực lượng này.

Trước bối cảnh trên, tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng cần tận dụng "lực đẩy duy nhất" hiện nay là mong muốn của Taliban được cộng đồng quốc tế công nhận để yêu cầu lực lượng này phải thành lập chính phủ mang tính bao trùm và tôn trọng các quyền cơ bản của con người, nhất là đối với phụ nữ, ở Afghanistan.

Trước khi chìm trong bóng tối của chiến tranh và bạo lực, đất nước Afghanistan từng trải qua những khoảng thời gian yên bình ngắn ngủi vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước. Quá khứ tươi đẹp đó giờ đã lùi xa. Tương lai của Afghanistan giờ đây mờ mịt và phụ thuộc vào những “lời hứa hẹn”.

Hiện còn quá sớm để kiểm chứng những cam kết của Taliban. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy, phong trào Hồi giáo cực đoan này cần khôi phục niềm tin của cộng đồng thế giới và người dân Afghanistan nếu như muốn thực sự được thừa nhận.  Sau chiến thắng quân sự, cuộc sát hạch cho sự quay trở lại của Taliban sau 20 năm bị lật đổ giờ mới chỉ ở bước khởi động./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực