Covid-19: “Bài trắc nghiệm” của ông D.Trump trước thềm bầu cử

Thứ ba, 24/03/2020 16:08
(ĐCSVN) – Trong những ngày này, sự lan rộng của đại dịch Covid-19 đang làm chao đảo nước Mỹ. Tổng thống D.Trump đứng trước thách thức là phải đưa ra lời giải cho một "bài trắc nghiệm" chỉ có 2 sự lựa chọn về thành, bại. Đây cũng được xem là “kết quả báo trước” đối với tương lai của ông trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Mỹ: Từ một đất nước cách xa cả Đại Tây Dương…

Người đeo khẩu trang trên quảng trường Thời đại, New York, Mỹ . (Ảnh: Getty) 

Từ lúc được đánh giá là chỉ chịu tác động ở mức thấp vào thời điểm dịch bùng phát tại Trung Quốc hồi đầu năm 2020, hiện Mỹ đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Italy), với số ca dịch không ngừng gia tăng tại khắp 50 bang, thủ đô Washington và vùng lãnh thổ Mỹ. 

Những ngày đầu, chính quyền và người dân Mỹ không lường trước được mức độ nguy hiểm, tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 dù các chuyên gia và giới chức y tế Mỹ đã cảnh báo virus này gần như đáp ứng được các tiêu chí để gây ra đại dịch toàn cầu, đồng thời hối thúc Tổng thống D.Trump cần sớm đưa ra các biện pháp ứng phó.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông D.Trump cho rằng những lo ngại này là thái quá và tin tưởng rằng nước Mỹ hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh. Nhịp sống của người dân Mỹ tại các thành phố lớn như New York, California…vẫn diễn ra náo nhiệt như chưa hề có sự xuất hiện của virus.

Song chỉ sau một thời gian ngắn, sự lây lan với tốc độ chóng mặt của virus tại nhiều bang của Mỹ đã khiến Tổng thống D.Trump phải thay đổi cách nhìn nhận. Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 không ngừng tăng lên theo ngày, theo giờ. Số liệu thống kê công bố ngày 24/3 cho thấy, số ca tử vong từ Covid-19 tại Mỹ là 553 trường hợp, trong khi số ca nhiễm bệnh đã lên tới 43.000.

Đã rất lâu kể từ khi Richard Nixon gọi mình là “Tổng thống thời chiến” (wartime president) trong cuộc chiến với ma túy, và cách gọi này, một lần nữa được Tổng thống D. Trump áp dụng với chính ông trong một thông điệp đưa ra ngày 18/3. “Kẻ thù lần này là đại dịch Covid-19, kẻ thù vô hình nhưng cũng khó nhằn nhất” – ông D.Trump thừa nhận.

…bỗng chốc “chao đảo” khi trở thành tâm đại dịch

Tổng thống Mỹ D.Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch bệnh Covid-19 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 13/3. (Video: Zach Purser Brown) 

Ngày 13/3, Tổng thống D.Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch bệnh Covid-19, với cam kết sẽ mau chóng nâng cao quy mô cũng như tăng tốc khả năng xét nghiệm virus Corona chủng mới cho người dân. Theo ông D. Trump, hành động này sẽ giúp giải phóng thêm 50 tỉ USD ngân sách cho các bang chống dịch.

Cùng với những biện pháp quyết liệt của Tổng thống D.Trump, Nhà Trắng cũng áp dụng một loạt các chính sách mạnh mẽ như đóng cửa biên giới với châu Âu, Iran, Hàn quốc, Canada, Mexico…, đồng thời nâng cảnh báo đi lại ở mức cao nhất, hối thúc người dân Mỹ không đi ra nước ngoài, kêu gọi người dân Mỹ tại nước ngoài nhanh chóng hồi hương.

Nhằm hỗ trợ người dân Mỹ và các doanh nghiệp nước này trước tác động của đại dịch Covid-19, chính quyền Tổng thống D.Trump và các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra ba dự luật hỗ trợ kinh tế lớn. Trong đó, dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch; dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được ký ngày 18/3 hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí, bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.

Dự luật thứ 3 có giá trị lớn nhất 1.000 tỷ USD sẽ hỗ trợ trực tiếp mỗi người dân Mỹ hai tờ séc trị giá 1.000 USD trong 9 tuần và hỗ trợ các doanh nghiệp, các ngành của Mỹ. Tuy nhiên, dự luật trên một lần nữa đã bị bác bỏ trong phiên bỏ phiếu tại Thượng viện ngày 23/3, trước khi kịp trình lên “ải” Hạ viện – bước cuối cùng để Tổng thống có thể ký ban hành thành luật.

Cũng trong ngày 23/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tuyên bố sẽ thành lập ba cơ sở để đảm bảo các công ty có cơ hội tiếp cận tín dụng và tài chính, bao gồm việc hỗ trợ mua trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành và nợ, mua trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng. Các cơ sở này sẽ thúc đẩy các hoạt động mua bán trái phiếu được các khoản vay sinh viên, các khoản vay tự động, khoản vay thẻ tín dụng hỗ trợ và các khoản vay được bảo đảm Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ bảo đảm .

Hồi đầu tháng này, FED cũng có một động thái chưa từng có tiền lệ khi cắt giảm lãi suất khẩn cấp lần thứ hai trong vòng hai tuần, đưa lãi suất xuống biên độ dao động quanh mức 0%. FED cũng thực hiện một chương trình nới lỏng định lượng quy mô lớn, cam kết tăng cường mua thêm trái phiếu với tổng trị giá ít nhất là 700 tỷ USD như một biện pháp tăng thanh khoản cho các thị trường chứng khoán và giữ lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn không thể cải thiện niềm tin thị trường khi chứng khoán phố Wall vẫn chìm trong sắc đỏ và ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

…nhiều thành tựu kinh tế có nguy cơ bị xóa sổ…

Đại lộ sầm uất Pennsylvania vắng bóng người qua lại do những biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19. (Ảnh: Eric Baradat/AFP/Getty Images) 

Chỉ vài tuần chìm trong cơn bão Covid-19, nhiều thành phố của Mỹ đã bị đóng cửa, người dân bị khuyến cáo hạn chế các hoạt động đi lại. Việc siết chặt các biện pháp ứng phó với đại dịch và ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân cũng đồng nghĩa với việc nước Mỹ phải chấp nhận những thiệt hại về kinh tế với số người thất nghiệp tăng vọt, với tỷ lệ lên tới 20% theo dự báo của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Các doanh nghiệp kêu gọi giải cứu và hàng loạt nhà máy tạm đóng cửa.

Ngày 16/3, Tổng thống Mỹ D.Trump thừa nhận nền kinh tế Mỹ có thể đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái, trong bối cảnh hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn quốc đình trệ do tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Không chỉ phải đau đầu vì những diễn biến bất lợi của thị trường tài chính trong nước, cuộc chiến giá dầu chưa có hồi kết giữa Nga và Ả rập Xê út diễn ra vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại khắp các ngõ ngách trên thế giới cũng khiến nền kinh tế Mỹ “lãnh hậu quả”. Giá dầu hạ, giới đầu tư lo ngại sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế Mỹ khi sẽ giáng một đòn chí tử vào ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, trong khi kinh tế Mỹ là trụ cột chính cho động lực tăng trưởng toàn cầu. Mặc dù đã phần nào sôi động trở lại sau khi thương chiến Mỹ - Trung hạ nhiệt, song khi phải đối mặt với hai thách thức cùng lúc là giá dầu giảm và dịch bệnh, thật khó để lường hết những hệ lụy với nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

... đã thách thức nỗ lực tái tranh cử của ông D.Trump

Tổng thống D.Trump phát biểu về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Nhà Trắng, ngày 22/2.
(Ảnh: Eric Baradat /AFP /Getty Images) 

Việc được Thượng viện Mỹ tuyên vô tội ngày 5/2 vừa qua đã rộng đường để ông D.Trump bước vào “màn tái đấu” diễn ra vào tháng 11 tới với hy vọng sẽ tiếp bước trở thành vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Diễn biến này cũng tạo tiền đề để Tổng thống đương nhiệm nhấn mạnh đến những thành tựu kinh tế - vốn vẫn được báo chí nước ngoài nhắc đến là một “quân át chủ bài trong chiến dịch tranh cử”, hay một “đồng minh quan trọng” của ông D.Trump khi quay trở lại Nhà Trắng. Cũng chẳng phải vô cớ khi mà Tổng thống D.Trump có thể tự tin đứng trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos hôm 21/1 để nói về những thành tựu kinh tế Mỹ và nhắc lại điều này trong Thông điệp Liên bang vào tháng trước, bởi dưới sự dẫn dắt của ông trong ba năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống, đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ luôn được duy trì ổn định.

Vậy mà chỉ sau một tháng, tình thế giờ đã khác. Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo và nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ cũng không miễn nhiễm. Niềm tin của người dân Mỹ về cách chính quyền liên bang phản ứng với đại dịch đã giảm nhanh chóng. Một cuộc thăm dò được Tổ chức Gallup công bố ngày 17/3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm 5% xuống chỉ còn 44%, ngang với mức trước khi bị luận tội. Nhiều người đổ lỗi cho Tổng thống D.Trump đã hành động muộn màng và không thể hiện được vai trò lãnh đạo cần thiết.

Đối với Tổng thống D.Trump, thì cuộc đương đầu của nước Mỹ với Covid-19 được xem là một cuộc “sát hạch” và là một cơ hội để ông thể hiện năng lực. Cách thức mà ông đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch sẽ quyết định số phận chính trị của ông trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới. Đây còn được xem là thước đo đánh giá việc ông đã thực hiện trọn vẹn cam kết “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong chiến dịch tranh cử từ 4 năm về trước hay chưa. Nếu không, trách nhiệm còn lại có thể sẽ đặt lên vai "một ai đó khác" và người ta sẽ chỉ nhắc tới ông D.Trump như "một lời hứa còn đang dang dở"./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực