FED không tăng lãi suất nói lên điều gì?

Thứ sáu, 18/03/2016 03:00

(ĐCSVN) - Ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, cơ quan này sẽ không nâng lãi suất như dự tính trước đó. Đồng thời, FED cũng tuyên bố cắt giảm số lần nâng lãi suất, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Mỹ trong năm 2016. Phản ứng sau động thái của FED, chỉ số chứng khoán Standard & Poor 500 tăng vọt với mức 0,56% trong cuối phiên giao dịch cùng ngày.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) (Ảnh: Reuters)

Kinh tế Mỹ lạc quan nhưng chưa đạt kỳ vọng

Dư luận hẳn còn nhớ, hồi cuối năm 2015, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đứng đầu là Chủ tịch Janet Yellen dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2,4% trong năm 2016. Theo đó, FED có thể sẽ tiến hành 4 lần nâng lãi suất trong năm, khiến thị trường chứng khoán biến động dữ dội, cùng với giá dầu lao dốc và nỗi lo về nguy cơ  tái khủng hoảng đã nảy sinh.

Tuy nhiên, mới đây, FED lại tuyên bố cơ quan này chỉ thực hiện nâng lãi suất khoảng 2 lần trong năm nay và cả năm 2017 cũng vậy. Đồng thời FED còn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2016 xuống còn 2,2%, thấp hơn so với dự báo trước đó 2,4%. Động thái của FED phản ánh mối quan ngại sâu sắc về đà tăng trưởng của Mỹ giảm sút trong năm 2016 và 2017.

Mặc dù trong bối cảnh những biến động về giá dầu, cổ phiếu và các yếu tố bên ngoài, nhưng một số bộ phận của nền kinh tế Mỹ vẫn có dấu hiệu chuyển biến tốt: Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 4,9% trong tháng 1 và chỉ số lạm phát cũng có sự hồi sinh sau giai đoạn đi ngang trong các năm vừa qua.

Trong thông báo của mình, FOMC cho biết, thị trường lao động Mỹ tiếp tục cải thiện nhưng lạm phát vẫn còn dưới mục tiêu 2% do FED nêu ra, mặc dù lạm phát đã tăng lên 1,3%. Tuy nhiên, FOMC vẫn không tin tưởng rằng lạm phát đã đủ mạnh khi ủy ban này hạ dự báo lạm phát năm nay từ 1,6% xuống 1,2%.

Kể từ tháng 12 năm ngoái đến nay, Phố Wall kỳ vọng rằng, FED sẽ chỉ nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, trong đó có một lần vào tháng 2, khi thị trường rơi vào tình trạng chao đảo, nhưng nhà đầu tư trước đó lại dự báo sẽ chẳng có lần nâng lãi suất nào. Vì thế, tuyên bố của FED ngày 16/3 thực tế đã trùng khít với kỳ vọng của nhà đầu tư Mỹ.

Bà Janet L. Yellen – Chủ tịch FED cho biết, ngân hàng trung ương khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ, nhưng vẫn cần phải thận trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Kinh tế toàn cầu ẩn chứa nhiều rủi ro

Theo thông báo của FOMC “Các sự kiện kinh tế và tài chính toàn cầu tiếp tục gây ra rủi ro”, vì thế FED cho rằng, bất kỳ đợt nâng lãi suất nào của Mỹ trong tương lai cũng sẽ được thực hiện một cách từ từ. Theo các chuyên gia, trong năm nay FED cũng chỉ có thể tăng ở mức tối đa 0,25% nữa mà thôi.

Theo giới quan sát, thời gian qua, mặc dù đã có hàng loạt các chương trình kích thích kinh tế được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên kết quả mang lại vẫn chưa như kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Tình trạng tăng trưởng chậm, khiến nguy cơ tái khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới đang xuất hiện.

Những yếu tố tiêu cực đang tác động mạnh đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đó là: Những bất ổn địa - chính trị, tình hình bầu cử ở Mỹ, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, bán tháo trái phiếu của các Chính phủ trong lĩnh vực dầu mỏ…

OECD mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu với lý do, tại châu Âu, lạm phát đang có xu hướng suy giảm trở lại tới mốc thấp lịch sử mà ECB không còn khả năng can thiệp bằng các gói QE. Hiện gói kích thích kinh tế đã tăng lên mức 80 tỷ euro/tháng và được kéo dài đến 3/2017, trong khi lãi suất tiền gửi tại ECB lại hạ xuống mức âm 0,3%, lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn còn 0%.

Viễn cảnh về cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới về việc Anh rời khỏi EU, cuộc khủng hoảng giá dầu và giá nguyên liệu đầu vào thấp đã dẫn đến sự suy thoái kinh tế của nhiều nước như: Nga, Venezuela, Brazil… đã gián tiếp tác động đến các nền kinh tế mới nổi và làm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế mới nổi lớn nhất là Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ “hạ cánh cứng”, mặc dù Bắc Kinh hứa hẹn có gắng không để điều đó xảy ra. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm mạnh khiến khả năng thanh khoản trên thị trường yếu đi và điều đáng lo hơn là dòng vốn FDI đang tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc (hơn 100 tỷ USD/tháng). Chỉ tính riêng năm 2015, đã có hơn 1.000 tỷ USD “chạy” khỏi nước này.

Hệ lụy từ làm sóng lãi suất âm

Theo giới phân tích, trong thời gian vừa qua, ngân hàng Trung ương các nước đã cố gắng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lây lan. Tuy nhiên, họ lại tạo ra làn sóng lãi suất âm, dẫn đến khuyến khích các tài khoản nợ và tạo ra xu hướng đầu tư tập trung vào các lĩnh vực và tài sản mang tính trú ẩn nhiều hơn là kinh doanh như: Đồng yen (Nhật), franc (Thụy Sỹ), USD, hoặc trái phiếu chính phủ Đức và vàng...

Giới chuyên gia dự báo, lãi suất theo chính sách của ECB sẽ không trở lại mức trên 0,5% trong 13 năm tới và họ thậm chí cũng không kỳ vọng về việc lãi suất của ECB đạt 1% trong ít nhất 60 năm tới.

Với Nhật Bản, lãi suất sẽ không đạt 0,5% trong ít nhất 30 năm và thậm chí lãi suất của Mỹ và Anh cũng được xác định là vẫn duy trì ở mức thấp trong nhiều năm nữa. Có thể sẽ phải mất 6 năm nữa trước khi lãi suất của Mỹ trở lại mức 1% và phải 10 năm nữa lãi suất của Anh mới đạt được mức tương tự của Mỹ.

Ông Harvinder Sian - chiến lược gia về lãi suất toàn cầu tại ngân hàng Citi ở London (Anh), nhận định: “Mặc dù lãi suất ở mức thấp, nhưng họ cũng không điều chỉnh. Kỷ nguyên lãi suất 0% sẽ kéo dài thêm hàng năm nữa. Tôi sẽ không bất ngờ nếu chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn lãi suất ở mức thấp thêm 5-10 năm”.

Cho đến nay, trong 46 ngân hàng Trung ương các nước áp dụng chính sách nới lỏng tiện tệ kể từ đầu năm 2015, thì chỉ có 9 ngân hàng trung ương có lãi suất trên 1%. Ông Joseph Gognon - cựu chuyên gia kinh tế của FED cho rằng, không có chỗ cho sự tự mãn về chính sách, “nếu Nhật Bản và các nước EU không nới lỏng chính sách linh hoạt hơn, họ có thể sẽ bị mắc kẹt trong tình trạng lãi suất ở mức 0% hoặc lãi suất âm trong nhiều năm tới.

Như vậy, việc FED không tăng lãi suất như dự kiến đã gửi đi thông điệp về sự thiếu lạc quan của một số chỉ tiêu của kinh tế Mỹ và sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, do nhiều yếu tố tác động, trong đó có việc sử dụng công cụ tài chính của ngân hàng trung ương các nước thiếu hiệu quả, khiến nguy cơ rủi ro của nền kinh tế toàn cầu gia tăng ở mức đáng lo ngại. Thậm chí có ý kiến cho rằng, năm 2016 có những dấu hiệu gần giống như năm 2008 – khi cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu khởi phát từ Mỹ./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực