Hậu Brexit: EU có trở thành Liên bang châu Âu?

Thứ năm, 07/07/2016 18:23
(ĐCSVN) - Theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, Brexit chính thức có hiệu lực chậm nhất là 2 năm nữa. Đối với nước Anh, “cái được và mất” đã lộ rõ. Tuy nhiên, đối với EU, một liên minh hùng mạnh vốn có vị thế trên thương trường, chính trường khu vực và quốc tế thì nay lại đang có sự đánh giá và dự báo khác nhau về xu thế phát triển.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đón Thủ tướng Anh David Cameron ở trụ sở EU tại Brussels.
(Nguồn: OLIVIER HOSLET)
Từ nguy cơ tan rã…

Giới nghiên cứu có ý kiến cho rằng, hậu Brexit EU sẽ “yếu hơn”, thậm chí trước nguy cơ “tan rã” vì thiếu đi một thành viên có vị thế quan trọng và hiệu ứng domino lan tỏa, Vì thế, giới chức EU vẫn hy vọng tìm cách “níu kéo Anh ở lại” dưới hình thức nào đó sau khi kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Người Anh cũng được cảnh báo rất nhiều về những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, chính trị, xã hội của nước này khi rời khỏi EU, nhất là sự ly khai của xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland.

Theo giới quan sát, mới chỉ thời gian ngắn, nhưng cả Anh và EU đều cảm nhận được sự mất mát, thậm chí cả trong những lĩnh vực họ chưa từng được cảnh báo. Lãnh đạo khối này cũng phải thừa nhận những tác động không hề nhỏ từ Brexit, trong đó có cả nguy cơ tan rã Liên minh.

Sự ra đi bất ngờ của Anh đã đẩy Liên minh này vào thế bị động, bởi lẽ một kịch bản như vậy chưa từng có tiền lệ, thậm chí những quy định về pháp lý đối với sự ra đi của một thành viên vẫn rất mơ hồ. Điều 50 quy định: “Mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp…”Tuy nhiên, lại không quy định thời điểm mà thành viên đó phải ra thông báo chính thức.

Lần đầu tiên EU phải đối mặt với một kế hoạch “ly khai” mà trung tâm của sự chú ý hiện nay là cuộc tranh cãi giữa London và Brussels về thời điểm và cách thức khi nước này sẽ rời bỏ EU. Trong khi lãnh đạo 6 nước hàng dầu của Liên minh hối thúc Anh sớm kích hoạt Điều 50, thì Lodon lại đang phải loay hoay với việc tìm người kế vị ông Cameron.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz bày tỏ hy vọng sẽ không có phản ứng dây chuyền kiểu domino, nhưng theo giới quan sát, xu hướng dân tộc chủ nghĩa đã thu hút được nhiều cử tri, từ khi châu Âu phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nợ công, tị nạn khiên cho nhiều người thấy tham gia vào EU mất nhiều hơn được.

Một số chính trị gia và thủ lĩnh các đảng phái ở Pháp, Hà Lan, Italia, Thụy Điển, Đan Mạch… cũng muốn có quyền được lựa chọn giống người Anh. Cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy 54% người Hà Lan muốn được trưng cầu dân ý. Trên mạng xã hội Twitter, Đảng Dân chủ Thuỵ Điển tuyên bố: “chúng tôi đang chờ Swexit!”. Còn thủ lĩnh Đảng Nhân dân của Đan Mạch cho rằng, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ là “một biện pháp dân chủ tốt”.

Vì thế, giới chức châu Âu đang phải đối phó với nguy cơ hiệu ứng domino đang tiềm ẩn, nhất là tiếp sau nước Anh có thể là Đan Mạch, Thụy Điển, Hy Lạp, Hà Lan, Hungary, Scotland…, thậm chí có cả một số nước nằm trong tốp dẫn đầu khối như: Pháp, Italy, Hà Lan… và nguy cơ tan rã Liên minh là không loại trừ.

Đến Liên bang châu Âu…

Cùng với nhận định bi quan cho tương lai hậu Brexit, thì cũng có nhận đinh khá lạc quan cho sự phát triển của Liên minh này. Giới nghiên cứu ủng hộ xu hướng này lập luận: Brexit đang tiếp thêm động lực cho giới lãnh đạo châu Âu sớm nhận ra nhu cầu cấp thiết phải kết cấu lại Liên minh.

Hậu Brexit cả EU bắt buộc phải cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách cơ bản vấn đề chính trị, nhất là tài chính, thương mại và mô hình liên kết theo hướng Liên bang châu Âu, sao cho có lợi và bình đẳng với tất cả các nước. Trong thời gian vừa qua, các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp, Italy và Hà Lan là các nước châu Âu đã có tiếng nói đòi giảm bớt quyền hạn của Ủy ban châu Âu và tăng quyền hạn cho các nước thành viên.

Một thực tế là phần lớn các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên còn lại của EU lại đang có xu hướng xích lại gần nhau hơn để vượt qua thời điểm khó khăn. Và điều kỳ lạ nhất là, trong thời điểm mà cả thế giới đều nói về một sự tan rã của EU, thì nó lại đang hé mở về một khả năng xuất hiện một Liên bang châu Âu mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Đúng là Brexit có thể trở thành một sự kiện đóng vai trò kích hoạt một sự tan rã của EU, nhưng chắc chắn không phải theo cách mà nước Anh đã rời đi. Việc nước Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý được xem như một sự bất cẩn mang tính cá nhân của Thủ tướng David Cameron mà thôi.

Lý do quan trọng nhất là vì không ai muốn EU tan rã, vì nó đồng nghĩa với một thảm họa. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố đầy bi quan về Brexit: “Như một nhà sử học, tôi sợ rằng Brexit có thể sẽ không chỉ là sự khởi đầu của quá trình tan rã và phá hủy EU, mà còn của cả nền văn minh chính trị phương Tây nữa”.

Tuy nhiên, trong số các nhà lãnh đạo châu Âu lo sợ về những hậu quả nếu EU tan rã lớn hơn rất nhiều những nhà lãnh đạo ủng hộ rời khỏi EU. Cựu Tổng thống Latvia Vike-Freiberga nói: “Tôi cảm thấy như đang ở đám tang của một người thân quen. Đây không còn là EU mà chúng tôi đã tham gia nữa rồi”.

Họ sợ hãi là điều dễ hiểu, khi mà sự tan rã của EU đồng nghĩa với việc đưa châu Âu về tình trạng trước hai cuộc thế chiến tàn khốc, nơi các cường quốc sẽ chi phối các nước nhỏ yếu hơn thay vì những cách đối xử khá công bằng và tử tế mà EU đã và đang hướng đến. 

Trong lúc khó khăn tột đỉnh này, một tầm nhìn mới đang hình thành. Theo đó, các nước thành viên EU hợp tác chặt chẽ với nhau hơn theo mô hình Liên bang được khá nhiều các nhà lãnh đạo EU đề cập như một giải pháp gắn kết và tăng cường sức sống của EU.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, cách thức tổ chức hiện nay của EU đang khiến nó rơi vào tình trạng chậm trễ trong việc đưa ra những quyết định cần thiết, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng mà điển hình là cách  xử lý cuộc khủng hoảng người di cư, và nhất là xử lý vấn đề nước Anh rời khỏi EU.

Schaeuble tuyên bố: “Chỉ khi chính phủ các nước kết nối thực sự với nhau, nó mới thực sự có hiệu quả”. Một sự kết nối trực tiếp giữa các chính phủ của các nước thành viên, là tiền đề để tiến tới một Liên bang châu Âu, trong đó người đứng đầu chính phủ các nước sẽ là thành viên của một chính phủ châu Âu tối cao.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng đề xuất thiết lập một Chính phủ châu Âu thực sự đặt dưới sự kiểm soát của Nghị viện châu Âu đóng vai trò như một Quốc hội của một Liên bang. Bộ trưởng Kinh tế đồng thời là Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel còn mạnh dạn hơn, khi ông này đề xuất thiết lập một quân đội chung, với điểm khởi đầu là hải quân châu Âu.

Việc thiết lập một nền kinh tế chung về thực chất hơn là nền kinh tế hỗn hợp EU hiện nay, trong đó mỗi quốc gia sẽ là một bang như mô hình của Mỹ, và phải chịu sự điều hành về kinh tế của một chính phủ châu Âu thống nhất. Một chính phủ, một quốc hội, một nền kinh tế thống nhất và một quân đội chung – đó là tất cả những gì cần thiết để EU chính thức chuyển mình từ một liên minh “lỏng lẻo” trở thành một Liên bang thực sự. 

Brexit vốn được xem như một nguy cơ có thể đẩy EU đến bờ vực của sự cơ tan rã nay lại đang trở thành chất xúc tác có thể đẩy nhanh quá trình Liên bang hóa mà nhiều nhà lãnh đạo EU đang trông chờ, “nghịch lý” có thể trở thành “hợp lý!

Như vậy, từ sự kiện Brexit trong xu thế toàn cầu hóa, giới nghiên cứu cho rằng, đây chỉ là một “dòng xoáy”, là sự cảnh báo đối với tất cả các tổ chức liên kết khu vực và quốc tế dù ở cấp độ nào đều phải quan tâm đến lợi ích của người dân các nước thành viên. Vì thế, “nghịch lý” Brexit tuy có ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của EU, nhưng nó cũng mở ra thời cơ mới cho xu thế hội nhập khu vựa này ở cấp độ cao và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, câu trả lời hậu Brexit – EU có trở thành Liên bang châu Âu hay không vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực