Hội nghị cấp cao APEC-2016: Đâu là điểm nhấn quan trọng?

Thứ hai, 21/11/2016 14:49
(ĐCSVN) - Trong các ngày 18-21/112016, tại thủ đô Lima (Peru), đã diễn ra Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hội nghị tập chung vào 4 nội dung chủ yếu và kêu gọi lãnh đạo các nước kiên quyết bảo vệ thương mại tự do trước các xu hướng chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu và Mỹ.

Từ xu hướng bảo hộ mậu dịch…

Các nhà lãnh đạo 21 nước thành viên APEC đã chia sẻ nhận thức rằng, từ sau sự kiện Brexit ở châu Âu và ông Donadl Trump chiến thắng trong tranh cử Tổng thống tại Mỹ, khiến xu hướng bảo hộ thương mại trở nên rõ nét hơn. Tổng thống nước chủ nhà Peru, Kuczynski nêu rõ: “Tại Mỹ và Anh, các xu hướng chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng. Cần phải đánh bại chủ nghĩa bảo hộ và đưa thương mại thế giới phát triển trở lại”. Ông nhấn mạnh: “bất cứ ai muốn bảo vệ chủ nghĩa bảo hộ cần đọc lại lịch sử kinh tế những năm 30 của thế kỷ trước”.

Điều đáng quan ngại hơn, nền kinh tế thế giới hiện đang thiếu sự lãnh đạo để ngăn chặn xu hướng phản đối thương mại tự do, trong bối cảnh các nước chủ trương thực thi các chính sách hướng nội do kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khởi nguồn từ Mỹ năm 2008.

Theo giới phân tích, sau sự kiện Brexit đã tạo ra thách thức mới đối với các nước phát triển trong hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, khiến ngày càng có nhiều chính trị gia chạy theo xu hướng này. Australia là một điển hình với cả đảng cầm quyền và đảng đối lập đều ủng hộ chế độ bảo hộ nền công nghiệp, xu hướng chống lại toàn cầu hóa cũng ngày càng mạnh hơn kể từ khi ông Trump đắc cử vị trí Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Theo giáo sư Fariborz Moshirian, Giám đốc Viện Tài chính toàn cầu thuộc Đại học New South Wales (Australia), thì tất cả những vấn đề kể trên đã tác động gián tiếp tới cách nhìn nhận của các nhà lãnh đạo APEC về tình hình thế giới hiện nay.

Tại các diễn đàn bên lề Hội nghị APEC như: Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC; Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC; Hội nghị các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… cũng đặt ra những nghi vấn về khả năng APEC trở thành một diễn đàn hội nhập kinh tế, tài chính như thế nào trong thời gian tới.

Ông Moshirian còn cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ không chỉ đơn thuần là về các chính sách thương mại, mà còn bao gồm các vấn đề khác ảnh hưởng tới thương mại. Nhiều báo cáo về tính khả thi cũng như phân tích phí tổn và lợi ích của Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), được nhất trí thành lập tại hội nghị APEC 2014 ở Bắc Kinh cũng sẽ được Hội nghị lần này đánh giá lại.

Ngày 18/11, tại thủ đô Lima của Peru, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức khai mạc.
Ảnh: vtv1.vcmedia.vn

Đến xác định các lĩnh vực ưu tiên…

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước APEC đa tập trung thảo luận vào 4 ưu tiên chính: (1) Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; (2) Thị trường lương thực khu vực; (3) Hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; (4) Phát triển vốn và nguồn nhân lực. 

Các nhà lãnh đạo APEC đã thảo luận về thực trạng kinh tế toàn cầu và khu vực, các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng chất lượng. Đồng thời tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy quá trình quốc tế hóa và sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ thương mại số, dịch vụ, kinh tế tri thức. 

Để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế sâu hơn, rộng hơn tại khu vực, các biện pháp tăng cường các kết nối cứng, kết nối số, kết nối thể chế và kết nối con người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được Hội nghị quan tâm thảo luận.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước, khiến các nhà lãnh đạo cũng bàn thảo về việc phát huy vai trò của APEC như một cơ chế thúc đẩy các chính sách ứng phó với nguy cơ mất an ninh lương thực trong tương lai.

Bên lề Hội nghị, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC-28 cũng có các phiên thảo luận về phát triển con người, một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác APEC hiện nay. Theo đó, giáo dục, sáng tạo, đào tạo kỹ năng nghề, văn hóa kinh doanh, công nghệ thông tin… là những vấn đề được nhấn mạnh, nhất là phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số hóa.

Phát biểu tại Hội nghị về phát triển con người, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nêu rõ công nghệ số đang là động lực làm thay đổi căn bản các ngành nghề, thúc đẩy kinh tế thế giới chuyển đổi nhanh hơn bao giờ hết. Phó Thủ tướng khẳng định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba biện pháp ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Và vai trò an ninh, đối ngoại…

APEC vốn chỉ được xem là diễn đàn để các nhà lãnh đạo khu vực gặp gỡ và có những trao đổi mang tính ngoại giao, song các thành tựu của APEC trong nhiều năm đã dựa trên nền tảng hợp tác sâu rộng giữa các Chính phủ và doanh nghiệp, đã cho phép diễn đàn kinh tế này mở rộng hơn nữa vai trò của mình, thúc đẩy sự ổn định của toàn khu vực. 

Trong khuôn khổ đối thoại trên nhiều lĩnh vực của APEC, cùng với sự linh hoạt trong vấn đề các thị trường tự do đã giúp diễn đàn này tạo dựng một nền tảng chính trị cho hợp tác khu vực sâu rộng hơn. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đang đứng trước nhiều thách thức về mặt an ninh, như nguy cơ chạy đua vũ trang, quân sự hóa, những xung đột tiềm ẩn trên Bán đảo Triều Tiên, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, biển Hoa Đông... khiến APEC cũng trở thành diễn đàn tìm kiếm những lời giải cho các vấn đề về an ninh, chính trị trong khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang đã chia sẻ trong thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của sáng tạo, tăng trưởng và liên kết kinh tế. Trọng tâm của những năm tới là cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức sáng tạo của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa... Các nền kinh tế thành viên cần kiến tạo một APEC vì người dân, vì doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Hội nghị cũng đã tiến hành phiên họp về việc chuẩn bị cho Năm APEC 2017 tại Việt Nam vào năm 2017. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định đã sẵn sàng cho các sự kiện của Năm APEC 2017 và đề xuất chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, nhằm hướng sự quan tâm chung của APEC là cần thêm “động lực mới” để thúc đẩy hội nhập, liên kết trong bối cảnh mới, vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh APEC đã diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn phục hồi chậm chạp và tiềm ẩn nguy cơ tái khủng hoảng. Thêm vào đó là những thách thức mới từ xu hướng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa. Hội nghị đã tập trung bàn thảo và đưa ra những giải pháp thiết thực, nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển khu vực. Đồng thời khẳng định “kiên quyết đánh bại chủ nghĩa bảo hộ” bảo vệ nền thương mại tự do của khu vực và thế giới./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực