Trong đó, Ấn Độ có vị thế quốc tế quan trọng; các nước: Pakistan, Afghanistan, Xrilanca là cửa ngõ giao lưu với thế giới bên ngoài. Những động thái điều chỉnh chiến lược của các nước lớn đối với khu vực trong thời gian gần đây, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm cấp cao tại Nhà Trắng. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mỹ. Theo giới quan sát, kể từ khi Washington thực hiện chính sách “xoay trục” sang Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD), cùng với cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã điều chỉnh chính sách đối với Nam Á. Theo đó, Mỹ thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, đưa nước này vào quỹ đạo chiến lược của mình nhằm kiềm chế Trung Quốc và Nga. Chính sách ưu tiên khu vực Nam Á của Mỹ được thể hiện ở những quan điểm chiến lược như:
Một là, can dự thông qua các hoạt động chống khủng bố, với mục tiêu là đứng chân ở Nam Á, khống chế Trung Á, kiềm chế Trung Quốc, thu hẹp không gian chiến lược của Nga, phá vỡ liên minh Nga–Trung-Ấn trong Tổ chức SCO; Tăng cường quan hệ với Pakistan, kiềm chế sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan; tạo vành đai “thân Mỹ” (Vùng Vịnh-Tây Á-Trung Cận Đông)…
Hai là, tăng cường quan hệ với Ấn Độ, đưa Ấn Độ vào quỹ đạo chiến lược nhằm cân bằng lực lượng, kiềm chế Trung Quốc, Nga, và góp phần “tái cân bằng” CA-TBD; tận dụng vai trò của Ấn Độ án ngữ Ấn Độ Dương; “chính sách hướng Đông” của nước này nhằm bảo đảm an ninh hàng hải trên Biển Đông, và tìm kiếm lợi ích kinh tế từ hợp tác với Ấn Độ trong nhóm BRICS và G-20.
Nga. Moscow cũng đang có chính sách ưu tiên đối với khu vực Nam Á: Tăng cường quan hệ với Ấn Độ, can dự vào công cuộc tái thiết tại Afghanistan; lôi kéo lực lượng xây dựng vành đai an ninh tại các nước Trung Á, nhằm làm giảm thiểu hệ lụy của cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan và Pakistan.
Nga chia sẻ nhiều điểm đồng và lợi ích chung với Ấn Độ, như lịch sử quan hệ truyền thống tốt đẹp, chung mục tiêu đấu tranh vì một trật tự thế giới đa cực, chung mối đe dọa từ chủ nghĩa ly khai, khủng bố, tôn giáo cực đoan, Ấn Độ còn là thị trường tiềm năng cho công nghiệp quốc phòng của Nga.
Nga rất quan tâm đến những tác động từ tình hình Afghanistan do có chung biên giới, sự hiện diện của Mỹ và liên quân tại căn cứ gần biên giới Nga, cũng như các vấn đề có ảnh hưởng tới các nước Trung Á (SNG), cửa ngõ sườn phía Nam của Nga. Moscow chủ trương duy trì quan hệ thân thiện với Pakistan còn do vị thế của nước này trong khu vực và thế giới đạo Hồi…
Trung Quốc. Nam Á có liên quan trực tiếp đến sự ổn định, an ninh và phát triển của Bắc Kinh. Nên nước này đang tìm cách mở rộng không gian chiến lược, tranh giành ảnh hưởng với Ấn Độ và các nước khác tại khu vực; đồng thời tìm cách thành lập vành đai bao vây, kiềm chế Ấn Độ.
Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, trong đó cạnh tranh với Ấn Độ là chính. Trung Quốc cũng đồng thời đẩy mạnh quan hệ với các nước Nam Á thông qua 2 “gọng kìm” trên đất liền và “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc cần Ấn Độ trong cuộc đấu tranh vì một thế giới “đa cực”, cải tổ Liên hợp quốc, chia sẻ điểm đồng với nước này trong mục tiêu chuyển dịch trung tâm kinh tế từ Tây sang Đông và giải quyết các vấn đề toàn cầu… Nhưng, hai nước còn không ít bất đồng về kinh tế và biên giới lãnh thổ.
Trung Quốc đã thiết lập mối “quan hệ đặc biệt” với Pakistan trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đồng thời duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nước khác (Xri Lan-ca, Áp-ga-nít-xtan, Băng-la-đét)… Trung Quốc còn xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí đốt ngoài khơi Myanmar đến Vân Nam, và hệ thống giao thông nối liền từ Vịnh Bengan tới tỉnh Vân Nam, tạo ra một mạng lưới liên kết các nước vùng Vịnh Bengan với Trung Quốc.
Ấn Độ. Mục tiêu chiến lược của Ấn Độ là củng cố vị trí cường quốc khu vực và hướng tới trở thành trung tâm quyền lực của thế giới. Do đó, Ấn Độ một mặt tiếp tục nâng cao nội lực, củng cố quan hệ láng giềng và khu vực Nam Á, đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Á thông qua “Chính sách hướng Đông”. Nên Ấn Độ chủ trương thực hiện chính sách can dự tích cực và ngoại giao kinh tế nhằm duy trì ảnh hưởng tại khu vực.
Ấn Độ cũng đang xây dựng ảnh hưởng với Nepan, Butan, Maldives; giải quyết bất đồng, tranh chấp với Bangladesh; thúc đẩy tiến trình đàm phán hoà bình với Pakistan; tích cực thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực thông qua các cơ chế hợp tác như: “Sáng kiến hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành ở vịnh Bengan” (BIMSTEC), “Hiệp hội hợp tác các nước khu vực Nam Á” (SAARC), Hiệp định khu vực thương mại tự do (SAFTA)...
Với Mỹ, Ấn Độ điều chỉnh chính sách theo hướng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược nhằm tạo thế trong quan hệ thị trường vốn và khoa học công nghệ, tiếp cận kho nhiên liệu, kỹ thuật hạt nhân; kiềm chế Pakistan và đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Bốn lần thăm Mỹ trong thời gian 2 năm cầm quyền của Thủ tướng Modi cũng nói lên điều đó.
Với Trung Quốc, Ấn Độ thực hiện chính sách vừa hợp tác vừa cạnh tranh, thúc đẩy trao đổi kinh tế - thương mại, nhưng vẫn luôn giữ thái độ cảnh giác cao trước ý đồ mở rộng không gian chiến lược của Trung Quốc ở khu vực này.
Với Nga, Ấn Độ coi trọng quan hệ với nước này trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong hợp tác năng lượng, an ninh và quốc phòng trên cơ sở hai nước có một số điểm đồng về lợi ích kinh tế - chính trị, an ninh và mối quan hệ truyền thống lâu đời.
Ngoài ra, Ấn Độ còn tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như: LHQ, Phong trào Không liên kết, Cấp cao Đông Á… nhằm phát huy vị thế và vai trò trong khu vực và quốc tế. Đáng chú ý, Ấn Độ có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình dân chủ hóa và cải tổ LHQ.
Như vậy, các động thái điều chỉnh chiến lược của các nước lớn theo hướng gia tăng cạnh tranh. Sự cọ xát lợi ích địa – chiến lược sẽ ngày càng quyết liệt, gay gắt hơn đặt các nước khu vực trước những thách thức không nhỏ, khi vừa phải tranh thủ hợp tác, hạn chế tác động tiêu cực, vừa không để bị lôi cuốn hoặc thành “con bài” trao đổi giữa các nước lớn.
Vì thế, giới phân tích và dự báo cho rằng, môi trường an ninh khu vực sẽ ngày càng trở nên căng thẳng và nguy cơ bất ổn là không loại trừ./.