Hội nghị G20 khai mạc tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), hôm 4/9/2016.
Ảnh AFP.
Từ chương trình nghị sự… Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần thứ XI được nước chủ nhà Trung Quốc thiết kế chủ yếu tập trung vào vấn đề kinh tế, né tránh những vấn đề an ninh, nhất là vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông…, nhưng giới quan sát cho rằng, Hội nghị lần này có thể vẫn bị phủ bóng bởi các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt liên quan đến vấn đề an ninh biển.
Cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ, Indonesia và Nhật Bản tuyên bố sẽ chính thức nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị G-20 lần này. Cụ thể, các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ thảo luận về phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đưa ra hôm 12/7.
Các nước sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các quốc gia liên quan đến tranh chấp phải làm rõ yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời nêu quan ngại về diễn biến hiện nay trên biển.
Nhiều nước cũng sẽ nêu rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng trật tự trên biển dựa trên luật lệ ở Châu Á - Thái Bình Dương, kêu gọi các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không. Các bên tranh chấp ở Biển Đông cần tìm kiếm con đường giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Bảy nước chủ chốt trong G-20 (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Italia, Canada) đã nêu rõ trong tuyên bố của nhóm ở Nhật Bản hồi tháng 5 rằng, họ bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Được biết, cho đến nay, chưa có nước nào thuộc G-20 ủng hộ Trung Quốc phủ nhận phán quyết của PCA.
Vì thế, các chương trình nghị sự của G-20 tại Hàng Châu sẽ có 5 nội dung quan trọng được thảo luận tại 10 phiên họp chuyên đề và được mong đợi sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, gửi đi những thông điệp mạnh mẽ, không chỉ định hướng và tháo gỡ khó khăn cho kinh tế toàn cầu mà còn bảo đảm an ninh và hòa bình trên thế giới.
Đến bàn thảo về kinh tế
Với 80% tổng kim ngạch ngoại thương và 85% GDP của thế giới, 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế toàn cầu, G-20 được xem là diễn đàn chủ yếu để thúc đẩy triển khai các hợp tác kinh tế quốc tế hướng tới sự ổn định và tăng trưởng.
Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải chật vật sau khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng thời tái định hình nền kinh tế thế giới.
Hội nghị G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với sự phục hồi không chắc chắn, khiến nhiều tổ chức nghiên cứu phải hạ dự báo tăng trưởng. Năm 2015, số người thất nghiệp là 197 triệu người, tăng 27 triệu người so năm 2008.
Theo IMF, tốc độ tăng trưởng toàn cầu hiện ở mức 3,1%, thấp hơn 5% so với bình quân 5 năm trước khủng hoảng (2008). Điều quan trọng là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đầu tàu chậm lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi kinh tế thế giới. Thời hậu Brexit kinh tế toàn cầu có thể sẽ mất ổn định hơn.
Cũng như các Hội nghị lần trước, G-20 lần này cũng hướng tới mục tiêu là tất cả các quốc gia và tất cả người dân sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và phát triển, đặc biệt người dân tại các nước đang phát triển sẽ được hưởng một cuộc sống tốt hơn mỗi ngày.
Và các cuộc gặp song phương
Bên lề Hội nghị G-20, các cuộc gặp song phương cũng đã diễn ra sôi nổi. Tối 3/9, Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan. Ông Putin bày tỏ tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm ổn định tình hình trong nước, từ đó thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên. Ông Putin cũng khẳng định việc tái thiết quan hệ song phương vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
Cũng trong ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Obama cho rằng, Bắc Kinh nên tuân thủ phán quyết của PCA, thực hiện thỏa thuận song phương về các vấn đề an ninh mạng. Ông Obama cũng tái khẳng định rằng, Mỹ sẽ làm việc với tất cả các nước trong khu vực nhằm duy trì những nguyên tắc của luật pháp quốc tế về tự do thương mại, hàng hải và hàng không.
Ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố, Bắc Kinh và Washington có nhiều lợi ích chung hơn là những khác biệt và hy vọng mối quan hệ song phương sẽ đi đúng hướng. Trung Quốc cũng không tán thành Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, và yêu cầu Washington tôn trọng những lợi ích an ninh chiến lược của Bắc Kinh.
Ông Obama cũng có chương trình nghị sự song phương với các đồng minh thân cận như: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ông cũng dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Anh Theresa May. Cuộc gặp song phương Mỹ - Nga ở cấp Ngoại trưởng cũng sẽ diễn ra, với nội dung chủ yếu thảo luận về vấn đề Syria.
Như vậy, những nội dung cốt lõi của Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần thứ XI cũng đã được bàn thảo ở G-7 hồi tháng 5 và G-20 về tài chính hồi tháng 7. Tuy nhiên, dư luận quốc tế vẫn kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này có thể tạo ra động lực mới, giúp kinh tế thế giới thoát khỏi giai đoạn trì trệ đã quá kéo dài và hạ nhiệt các điểm nóng ở Trung Đông, châu Á và châu Âu./.