Bài viết khẳng định, sau 30 năm nghiêm túc và kiên định thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về chính trị, kinh tế, ổn định an sinh-xã hội và giữ vững các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, song hành với việc tiến hành hội nhập sâu, rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Về tăng trưởng kinh tế, trong suốt 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh cả về chất và lượng. Năm 2003, sau 16 năm đổi mới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 471 USD/năm thì đến năm 2015, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2300 USD. Năm 2017, dự kiến thu nhập bình quân đầu người có thể đạt trên 2400 USD.
Về đối ngoại, Việt Nam tiếp tục theo đuổi đường lối đối ngoại đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VI. Chủ trương "độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại" với phương châm "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển" đã được xác định rõ tại Đại hội Đảng lần thứ VII, đánh dấu bước khởi đầu cho tiến trình hội nhập trong giai đoạn mới của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã, đang và sẽ kiên định đường lối đối ngoại rộng mở, trên tất cả các phương diện: đa phương, khu vực và song phương.
Đối với APEC, gia nhập từ tháng 11/1998, sau 19 năm, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của APEC. Việt Nam đã và đang có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của diễn đàn thông qua việc chủ động đăng cai APEC hai lần chỉ trong vòng 11 năm (2006 và 2017), với quyết tâm khẳng định chủ trương kiên định và nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, coi trọng các mối quan hệ bang giao về chính trị và kinh tế, thương mại với các thành viên APEC để cùng xây dựng một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phồn vinh và thịnh vượng.
Năm 2017, với tư cách chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam đã tổ chức hàng trăm cuộc họp từ cấp chuyên viên, cấp vụ, cấp bộ trưởng và đỉnh điểm là Tuần lễ Cấp cao (TLCC) APEC, bắt đầu từ ngày 6/11 tới tại thành phố biển Đà Nẵng. Với hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách và nền văn hóa Việt giàu bản sắc, Việt Nam đã tổ chức hội nghị APEC ở hầu hết các địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Huế, Cần Thơ, Ninh Bình và Đà Nẵng v.v. để giới thiệu với các nền kinh tế thành viên APEC về đất nước, con người cũng như các sản vật đặc sắc của đất nước nghìn năm văn hiến. Năm APEC 2017 đã để lại trong mắt bạn bè khu vực và quốc tế sự tôn trọng, lòng yêu mến và sự đánh giá cao tinh thần lao động nghiêm túc của chủ nhà cả về công tác nội dung lẫn hậu cần xuyên suốt trong năm.
TLCC được coi là sự kiện quan trọng nhất của năm APEC 2017 và là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Việt Nam. Hai mươi nhà lãnh đạo dẫn đầu hàng nghìn đại biểu đến từ các thành viên APEC tham dự hàng loạt sự kiện trong khuôn khổ TLCC, bao gồm: Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29, Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo và Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hội nghị Thượng đỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp (CEO Summit), Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC v.v. Nhân dịp này, Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam để giới thiệu về tiềm năng đầu tư và kinh doanh của đất nước. Ngoài ra, lãnh đạo cấp cao cũng có nhiều chương trình tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo APEC nhằm tăng cường quan hệ song phương và giải quyết những mối quan tâm chung của Việt Nam và các thành viên APEC.
Lãnh đạo Việt Nam đã có chỉ đạo sát sao và đưa ra nhiều biện pháp chính sách ưu tiên cho việc đăng cai thành công năm APEC 2017. Ủy ban Quốc gia (UBQG) APEC 2017 đã được thành lập từ tháng 10/2016, với sự chỉ đạo sâu sát của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng đại diện của nhiều bộ, ngành trong nước. Ban Thư ký quốc gia APEC 2017 – cơ quan giúp việc trực tiếp cho UBQG APEC 2017 cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan tổ chức hàng loạt hội nghị bộ trưởng chuyên ngành. Mặc dù, bối cảnh thế giới và khu vực đang xuất hiện những diễn biến phức tạp cả về chính trị lẫn kinh tế, nhưng Việt Nam đang và sẽ phối hợp với các thành viên APEC tổ chức thành công TLCC với kết quả là các tuyên bố, văn kiện cấp cao và cấp bộ trưởng, mang đậm dấu ấn của Việt Nam trong năm nay, trên cơ sở tiếp nối những nỗ lực của APEC trong thời gian qua và định hướng hợp tác cho khu vực trong thời gian tới. Những nội dung quan trọng sẽ được các nhà lãnh đạo APEC thảo luận tập trung vào: (i) đẩy mạnh triển khai thực hiện mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở đúng thời hạn năm 2020 như đã cam kết; (ii) đề xuất quá trình khởi động xây dựng viễn cảnh APEC sau khi mục tiêu Bogor được hoàn thành; (iii) thúc đẩy các nội hàm của Chiến lược tăng trưởng của APEC, tập trung vào tăng trưởng bao trùm, bền vững và sáng tạo và (iv) tăng cường tính kết nối của khu vực trên cả ba phương diện: thể chế, hạ tầng và con người, nhằm xây dựng một khu vực APEC gắn kết toàn diện v.v.
Năm 2017, Việt Nam đã thể hiện vai trò là chủ nhà tích cực, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác APEC, giữ vững vị thế và hình ảnh của APEC luôn là diễn đàn đi đầu trong việc đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại năng động của thế giới nói chung cũng như của khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng./.