|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô tại Trại hè Quốc tế Artek ngày 23/8/1957 (Ảnh: TTXVN) |
Học giả Hàn Quốc đề cao tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Giáo sư Im Jin-hô nhấn mạnh chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân Việt Nam; đồng thời cho rằng, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của Người luôn đúng với mọi thời đại và đã giúp dân tộc Việt Nam tập hợp sức mạnh, thống nhất đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), giáo sư Im Jin-ho, khoa Quốc tế (Trường Đại học Chodang, Hàn Quốc) đã có chia sẻ về những nghiên cứu và kế hoạch dịch thuật các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giáo sư Im Jin-ho đang giảng dạy tại khoa Quốc tế, Đại học Chodang, Hàn Quốc. Ông đồng thời là người đứng đầu Trung tâm Giao lưu và Giáo dục quốc tế tại Đại học Chodang, và có nhiều cơ hội tìm hiểu nghiên cứu về Việt Nam. Đặc biệt, với vai trò người đứng đầu Trung tâm Giao lưu và Giáo dục quốc tế, từ hơn 20 năm qua, ông đã có nhiều hoạt động nghiên cứu trao đổi học thuật, kết nối giao lưu liên quan đến các trường đại học của Việt Nam, tham gia nghiên cứu và xuất bản các chuyên luận về Việt Nam. Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác Hàn – Việt, năm 2022, giáo sư Im Jin-ho đã xuất bản 2 cuốn sách “Thần thoại và truyền thuyết Việt Nam, con Rồng cháu Tiên” và "Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Hàn Quốc. Với tình cảm dành cho Việt Nam, giáo sư Im Jin-ho đã nhận lời làm cố vấn cho Hội người Việt Nam tại khu vực Gwangju-Jeonnam. Thời gian qua, ông đã tích cực tham gia nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ cho cộng đồng người Việt đang sống, làm việc và học tập tại khu vực các tỉnh phía Nam Hàn Quốc.
Nói về lý do khiến ông tiến hành các nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo sư Im Jin-ho cho biết, Việt Nam vốn có nền văn hiến và lịch sử lâu đời rất đặc sắc. Đặc biệt, những thăng trầm lịch sử của Việt Nam trong thời hiện đại có rất nhiều điểm tương đồng với lịch sử của Hàn Quốc khiến giáo sư Im Jin-ho vô cùng quan tâm đến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu những năm 1990, giáo sư Im Jin-ho đã đến thăm Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Việt Nam và nhận ra rằng các thế hệ trí thức hai nước Hàn – Việt có rất nhiều mối giao lưu trong quá khứ. Những kết nối này đã thu hút ông quan tâm đến Việt Nam và lãnh tụ của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với chuyên ngành Hán học, khi đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông tình cờ tìm thấy những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Trung Quốc và đây chính là cơ duyên để ông bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với độc giả Hàn Quốc.
Theo giáo sư Im Jin-ho, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, một chính trị gia, nhà hoạt động lỗi lạc của thế giới. Đặc biệt hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một chiến lược gia quân sự, một nhà ngoại giao xuất chúng có cái nhìn tổng quan và đánh giá chính xác tình hình trong nước và quốc tế để đưa ra các giải pháp ngoại giao hiệu quả. Có nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp tìm đường giải phóng dân tộc Việt Nam, giáo sư Im mới hiểu rằng tại sao người Việt Nam lại thành kính gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh với danh xưng trìu mến là “Bác Hồ”. Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã trở thành tấm gương không chỉ cho người dân Việt Nam khi Người luôn sống thanh đạm, đặt lợi ích của dân tộc Việt Nam lên trên hết, thể hiện sâu sắc nhất tinh thần nhân văn trong tư tưởng, lối sống.
Giáo sư Im Jin-hô nhấn mạnh, chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời luôn nhấn mạnh mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, lấy người dân làm trung tâm. Tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của Người luôn đúng với mọi thời đại và đã giúp dân tộc Việt Nam tập hợp sức mạnh, thống nhất đất nước. Cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết toàn dân, tự do và hạnh phúc của người dân đã thể hiện tính nhân văn vô cùng sâu sắc và đây chính là bài học cho tất cả chúng ta, không phân biệt biên giới, quốc gia.
Giáo sư Im Jin-ho cho biết tại Hàn Quốc, đã có nhiều học giả nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua sưu tập các tài liệu từ tiếng Hán, ông nhận thấy còn rất nhiều tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được giới thiệu. Đặc biệt, những tác phẩm văn học do Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong thời gian Người hoạt động ở Trung Quốc mới được phát hiện sẽ là nguồn tư liệu quý cho những nghiên cứu về Hồ Chí Minh sau này. Đặc biệt, để tuyên truyền và vận động dư luận trong nước và quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất bản rất nhiều bài báo trong suốt thời gian hoạt động cách mạng. Các tài liệu này vô cùng đáng quý và chính vì thế ông đang tập hợp, dịch thuật để có thể xuất bản thành sách. Cùng với đó, giáo sư Im Jin-ho cũng đang dịch các cuốn sách đã xuất bản sang tiếng Hàn như “Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” hay “Gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh"...
Giới học giả Bỉ ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam
Triển lãm về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Brussels đã thu hút đông đảo bạn bè Bỉ và quốc tế. Đây là dịp để những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ hơn về vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc Việt Nam, người đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.
Ông Bert De Belder, Trưởng ban Quan hệ quốc tế, đảng Lao động Bỉ (PTB) cho biết với tư cách là người Bỉ quan tâm đến các cuộc đấu tranh giải phóng và đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, từ khi còn là sinh viên, ông đã biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất ngưỡng mộ Người. Tuy nhiên, chỉ gần đây khi đọc nhiều tác phẩm để chọn lọc xuất bản những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Hà Lan, tiếng Pháp, ông mới khám phá ra rất nhiều khía cạnh, tài năng và những đức tính quan trọng của Người. Vị lãnh tụ lỗi lạc là "kim chỉ nam" dẫn dắt không chỉ nhân dân Việt Nam mà nhân dân trên toàn thế giới dấn thân vào các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xã hội, vì sự tiến bộ, vì đoàn kết quốc tế, vì hạnh phúc của nhân dân, cũng như vì hòa bình và phát triển.
Ông Bert De Belder nhấn mạnh, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là quá trình rất phức tạp mà nhân dân Việt Nam phải trải qua với nhiều khó khăn và kẻ thù mạnh hơn nhiều lần nhưng họ đã chiến thắng nhờ tài năng và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Bert De Belder cũng cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã truyền cảm hứng rất lớn và có vai trò quan trọng trong việc kết nối cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với cuộc đấu tranh của các dân tộc ở thế giới thứ ba, cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một người theo chủ nghĩa quốc tế chân chính, người đã lấy sự nghiệp giải phóng và hạnh phúc của các dân tộc trên toàn thế giới làm trọng tâm và đoàn kết quốc tế là một giá trị quan trọng. Ông Bert De Belder cũng bày tỏ ấn tượng về cuộc sống giản dị của Người khi nhấn mạnh rằng: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất giỏi với tất cả tài năng và vai trò lãnh đạo của mình nhưng vẫn là một người rất khiêm tốn và sống một cuộc đời giản dị. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương cho tất cả chúng ta".
Đối với Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), Barbara Plinkert, ấn tượng của bà về Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cuộc đời hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, đồng thời cảm phục cách mà Người truyền cảm hứng và gắn kết những người dân từ các quốc gia khác lại với nhau vì mục tiêu đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam.
Là người gắn bó với cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam từ năm 1964 khi còn là sinh viên Đại học Tự do Brussels (ULB), ông Ralph Coeckemberghs vẫn vẹn nguyên những tình cảm sâu đậm đối với đất nước này, đặc biệt, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người theo chủ nghĩa nhân văn, đã dành trọn cuộc đời cho độc lập dân tộc, là một trong những "vị lãnh tụ vĩ đại nhất của thế kỷ XX" mà ông luôn ngưỡng mộ.
Ông Ralph Coeckemberghs đã lưu giữ những tư liệu quý về Bác Hồ. Đó là số đặc biệt của tập bán nguyệt san "Planet Action" bằng tiếng Pháp xuất bản tháng 3/1970 dành toàn bộ để nói về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Đây là tập hợp những bài viết của nhiều tác giả nổi tiếng về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm tháng bôn ba khắp thế giới cho đến năm 1945 khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương để các quốc gia ở châu Phi noi theo trên con đường giải phóng dân tộc.
Tập bán nguyệt san này đã được ông Ralph Coeckemberghs trao tặng cho đại diện Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp đoàn tham dự Triển lãm về Bác tổ chức ở Brussels.
Ông Ralph Coeckemberghs nhấn mạnh, mong muốn những tư liệu này sẽ là nguồn thông tin quý báu để các thế hệ trẻ ở Việt Nam và trên thế giới hiểu rõ hơn và trân quý những gì mà một vị lãnh tụ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc./.