|
Chuyên gia Vladimir Kolotov. (Ảnh: Facebook) |
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Moskva, Giáo sư Vladimir Kolotov thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg nhấn mạnh "bước đi đúng đắn và kịp thời của Việt Nam" chứng minh Việt Nam "là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia của mình phù hợp với hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và các chuẩn mực luật pháp quốc tế".
Chuyên gia Nga nhắc lại rằng khi được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã nhận được số lượng phiếu ủng hộ kỷ lục. Theo ông, điều này chứng minh uy tín quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam. Giáo sư Kolotov cũng cho rằng 2020 là dịp để Việt Nam có hàng loạt cơ hội để triển khai hoạt động ngoại giao hiệu quả trong khuôn khổ LHQ cũng như ASEAN để góp phần làm cho thế giới trở nên an toàn và công bằng hơn.
Về phần mình, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Grigory Trofimchuk cho rằng "Biển Đông không chỉ là vấn đề trong quan hệ Việt-Trung, vấn đề của các nước Đông Nam Á, mà còn là một trong những vấn đề quan trọng đối với LHQ". Ông cũng khẳng định việc gửi công hàm đến Tổng Thư ký LHQ phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bước đi rất đúng đắn của Việt Nam.
Theo chuyên gia Nga, trong thời gian tới, ngay sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc cần tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về vấn đề Biển Đông. Hiện nay không có bất cứ cơ chế nào đảm bảo ngăn ngừa một cuộc xung đột toàn cầu khởi đầu từ khu vực này, cộng đồng quốc tế cần sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
Trước những tác động ngày càng mạnh của các yếu tố bên trong và bên ngoài, các chuyên gia Nga đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc tăng cường đoàn kết nội khối cũng như củng cố vị thế của ASEAN. Giáo sư Kolotov cho rằng "để khẳng định vai trò trung tâm của mình ở khu vực, ASEAN cần phải đứng trên một mặt trận thống nhất". Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam có thể phát huy vai trò của mình đối với khu vực và cùng với các nước ASEAN thực hiện theo tôn chỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".
Về vấn đề này, chuyên gia Trofimchuk cho rằng ASEAN không chỉ là một tổ chức kinh tế, mà còn là một tổ chức chính trị và có ưu thế vượt trội so với nhiều tổ chức khác hoạt động tại khu vực này. Vấn đề Biển Đông nằm trong lĩnh vực trách nhiệm trực tiếp của ASEAN, do đó tổ chức này cần là đơn vị đầu tiên thực hiện nỗ lực ổn định tình hình.
Theo ông Trofimchuk, dù ASEAN đã thực hiện nhiều nỗ lực trong thời gian qua, song xu hướng tiêu cực vẫn đang tồn tại, bằng chứng là một tàu đánh cá của Việt Nam vừa bị đâm chìm cách đây ít ngày ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Chuyên gia lưu ý rằng, nếu ASEAN không sớm thực hiện những nỗ lực cần thiết cho vấn đề còn tồn đọng, trong tương lai gần rất khó ngăn chặn nguy cơ nảy sinh đụng độ vũ trang nguy hiểm có thể kéo theo sự tham gia nhiều nước trong khu vực. Là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 2020, nhưng đồng thời có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, cộng đồng quốc tế chờ đợi Việt Nam sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này. Ông nhấn mạnh, lập trường của Việt Nam là cực kỳ quan trọng, khẳng định cơ sở giải quyết đối với các vấn đề Biển Đông là hòa bình, thông qua con đường chính trị và ngoại giao.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 9/4, trả lời câu hỏi của truyền thông quốc tế về việc phái đoàn Thường trực phái đoàn Việt Nam tại LHQ ngày 30/3 đã gửi công hàm phản đối hai công hàm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: "Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế như đã thể hiện trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ: "Việc lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc là một việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này"./.