Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Erdogan củng cố quyền lực sau cuộc đảo chính bất thành

Chủ nhật, 31/07/2016 10:29
(ĐCSVN) – Ngày 30/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo sẽ trực tiếp kiểm soát các hoạt động tình báo và trưởng các đơn vị quân đội trong nỗ lực nhằm củng cố và tăng cường quyền lực vào thời điểm hai tuần sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành.

 

Tổng thống Erdogan mong muốn củng cố quyền lực sau cuộc đảo chính bất thành (Ảnh: AFP)

Phát biểu trên kênh truyền hình A-Haber, ông Erdogan tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi sẽ đưa ra một cải cách hiến pháp nhỏ (trước Quốc hội) và nếu nó được thông qua thì sẽ đặt cơ quan tình báo quốc gia và các trưởng đơn vị (quân đội) dưới sự kiểm soát của Tổng thống”.

Để được thông qua, cải cách này sẽ phải nhận được đa số trong 2/3 số ghế tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, chính quyền của ông Erdogan sẽ cần tới sự hỗ trợ từ một số đảng đối lập. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Binali Yildirim, hai trong số này đã gặp ông Erdogan cách đây vài ngày và tuyên bố sẵn sàng làm việc về một sự thay đổi của Hiến pháp.

Các trường quân sự bị đóng cửa

Cũng trong ngày 30/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thông báo sẽ đóng cửa tất cả các trường quân sự và thay thế bằng một trường đại học quốc gia đào tạo lực lượng vũ trang. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh ngày 27/7, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải 149 tướng lĩnh, gồm 87 tướng lục quân, 30 tướng không quân và 32 đô đốc, tương đương 40% tổng số tướng lĩnh và đô đốc nước này, vì tội đồng lõa trong cuộc đảo chính bất thành xảy ra đêm 15 – 16/7. Ngoài ra, 1.099 sĩ quan và 436 hạ sĩ quan cũng bị sa thải vì tình nghi liên quan đến vụ đảo chính.

Tổng thống Erdogan cho biết từ ngày 15/7 đến nay, 18.699 người đã bị bắt giữ và 10.137 người trong số họ đã bị buộc tội và bị tạm giam.

Còn theo hãng tin chính thức Anadolu, 17 trong số 21 nhà báo từng bị đưa ra tòa án Istanbul đã bị giam giữ để truy tố vì tình nghi có liên quan với một "tổ chức khủng bố".

Ankara cáo buộc giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ và những người ủng hộ phong trào của ông, vốn được mô tả là "những kẻ khủng bố", lên kế hoạch và chỉ đạo cuộc đảo chính bất thành vừa qua.

Trong số các nhà báo bị tạm giữ có Nazli Ilicak, cựu nghị sĩ, từng bị sa thải khỏi tờ nhật báo Sabah năm 2013 sau khi chỉ trích các bộ trưởng trong một vụ bê bối tham nhũng mà theo Ankara là do Gulen dàn dựng.

“Đừng lặp lại những sai lầm"

Trong bài viết đăng trên tờ nhật báo Hurriyet, người chuyên viết xã luận của Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akyol đánh giá: "Những vụ bắt giữ này là không thể chấp nhận".

Hãng thông tấn Dogan cũng dẫn lời Bulent Mumay, cựu biên tập viên của nhật báo Hurriyet được biết đến rộng rãi trong giới truyền thông vừa được trả tự do, cho biết: "Bắt giữ các nhà báo không phải là điều bình thường, nước này không nên lặp lại sai lầm như vậy".

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về làn sóng bắt giữ đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng cần phải nhanh chóng đưa ra bằng chứng thuyết phục nếu tình trạng bắt giữ hợp pháp và để các đối tượng có thể được quyết định bởi tòa án.

Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova cũng ra tuyên bố bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tự do báo chí và tình hình của các nhà báo, biên tập viên và nhân viên truyền thông tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo cơ quan của Liên hợp quốc, "trong khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Thổ Nhĩ Kỳ thì vai trò của tự do báo chí là điều cần thiết để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tình hình quốc gia trong một thời kỳ quan trọng”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng thông cảm với việc Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tìm ra thủ phạm đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7; song Washington cho rằng ngày càng có nhiều vụ bắt giữ các phóng viên là một phần của chiều hướng đáng lo ngại có thể ngăn cản quá trình thảo luận công khai.

Trong khi đó, người đứng đầu ngành ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng đánh giá cần phải phân biệt, lựa chọn giữa những người đảo chính và những “người muốn làm báo thực sự”.

Cho tới tối 29/7, tổng số khoảng 758 lính được trả tự do sau khi các công tố viên đưa ra đề nghị cùng với lời khai của những người này và được thẩm phán chấp nhận.

Và trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu liên tục đưa ra chỉ trích về quy mô của các cuộc thanh trừng thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 29/7 đã kịch liệt lên án các nước phương Tây vì không thể hiện tình đoàn kết với Ankara sau âm mưu đảo chính bất thành vừa qua. Phát biểu trước hàng trăm người ủng hộ tại văn phòng Tổng thống, ông Erdogan nhấn mạnh, những người chỉ lo lắng về số phận của những đối tượng ủng hộ đảo chính thay vì nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể là bạn của nước này.

Trước dấu hiệu căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo thỏa thuận đạt được giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kiềm chế dòng người tị nạn tại phía Tây châu Âu có nguy cơ sụp đổ./.

Khánh Linh (Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực