Thúc đẩy vai trò lãnh đạo và trao quyền quyết định cho phụ nữ

Thứ sáu, 02/10/2020 23:31
(ĐCSVN) – Ngày 1/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện các cam kết cụ thể và tham vọng nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo và trao quyền quyết định cho phụ nữ.

Đây là mục tiêu đã được đề ra trong Hội nghị Thế giới về Phụ nữ ở Bắc Kinh năm 1995, song cho tới nay vẫn là một “hành trình còn dang dở” và đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc để hiện thực hóa những cam kết mà chúng ta đã đưa ra về thúc đẩy bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu.

Trao quyền quyết định cho phụ nữ trong mọi vấn đề lớn của thế giới

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres  phát biểu tại phiên họp cấp cao nhân kỷ niệm 25 năm Hội nghị Thế giới lần thứ 4 về phụ nữ tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 1/10. (Ảnh: Xinhua)

Phát biểu tại một phiên họp trong khuôn khổ tuần lẽ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, đại dịch COVID-19 đã cho thấy “tính cần thiết cấp bách” của những nỗ lực mạnh mẽ để thực hiện lời cam kết còn dang dở đưa ra từ Hội nghị Thế giới về Phụ nữ ở Bắc Kinh năm 1995, đó là trao quyền quyết định cho phụ nữ trong tất cả các vấn đề lớn của thế giới, những quyết định có tính ảnh hưởng tới đời sống của từng con người.

“Để đạt được điều này cần đến những biện pháp có mục tiêu, bao gồm những hành động mang tính chất khẳng định và việc đề ra hạn ngạch. Đây không chỉ là một vấn đề nhân quyền mà còn là mệnh lệnh về kinh tế, xã hội” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Trong các ngày từ 4-15/1995, Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị Thế giới về Phụ nữ lần thứ 4 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại sự kiện mang chủ đề “Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình”, đại diện chính phủ các nước đã thông qua một bản kế hoạch toàn diện nhằm đạt được mục tiêu bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu, mang tên “Cương lĩnh hành động Bắc Kinh”.

Nhắc lại sự kiện này, Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá, Hội nghị Thế giới về Phụ nữ ở Bắc Kinh là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Đối với nhiều người trong chúng ta, đó còn là một khoảnh khắc để suy nghĩ sâu sắc. Tầm nhìn táo bạo và chương trình nghị sự biến đổi của Hội nghị Thế giới về phụ nữ ở Bắc Kinh đã thể hiện rõ hai thực tế mâu thuẫn: Thứ nhất, quyền phụ nữ đóng vai trò trung tâm của sự bình đẳng và công lý ở khắp mọi nơi; Thứ hai, phụ nữ lại đang bị từ chối, bị cản trở ở khắp mọi nơi.

Phụ nữ mới chỉ được hưởng 75% quyền lợi hợp pháp so với nam giới

Phụ nữ đang đóng vai trò trong mọi vấn đề lớn của thế giới, trong đó có ứng phó với đại dịch COVID-19. (Ảnhr: https://www.inform.kz)

“Kể từ sau thời điểm trên, chúng ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ đã giảm gần 40% kể từ năm 1995. Lần đầu tiên, số trẻ em gái được tới trường đạt mức cao nhất trong lịch sử” – ông Guterres nói. Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, cho tới nay, chúng ta vẫn chưa thực hiện đầy đủ tầm nhìn tham vọng mà Tuyên bố Bắc Kinh đã đưa ra.

“Cứ 3 phụ nữ thì lại có một người từng trải qua một hình thức bạo hành nào đó trong đời. Mỗi năm, trên thế giới có 12 triệu trẻ em gái lập gia đình ở tuổi vị thành niên, trong khi nạn đói vẫn đang cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, nhất là phụ nữ ở các vùng chiến sự. Trong năm 2017, trung bình mỗi ngày lại có khoảng 137 phụ nữ trên khắp thế giới bị sát hại bởi chính gia đình của họ…Phụ nữ vẫn thường bị gạt khỏi các vòng đàm phán hòa bình, các vòng đối thoại về khí hậu và bị tước bỏ vai trò đưa ra quyết định. Xét trên quy mô toàn thế giới, phụ nữ mới chỉ được hưởng 75% quyền lợi hợp pháp so với nam giới. ” – ông Guterres nói.

Trích dẫn một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres dự báo, phải mất 150 năm nữa, thế giới mới có thể đạt được bình đẳng giới về thu nhập.  Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập đó, sau khi được thu hẹp, sẽ tạo ra 172 nghìn tỷ USD trong tài sản vốn con người. Còn trong đại dịch COVID-19 hiện nay, ông Guterres nhấn mạnh phụ nữ và trẻ em gái đang là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, xét về cả khía cạnh kinh tế và xã hội. “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, đại dịch COVID-19 sẽ xóa sổ một loạt những tiến bộ mong manh mà chúng ta đã đạt được trong mục tiêu bình đẳng giới” – ông Guterres cảnh báo.

Theo ghi nhận của ông Guterres cho biết, Liên hợp quốc đã đạt được bình đẳng giới trong đội ngũ lãnh đạo từ đầu năm 2020, với tỷ lệ 90 phụ nữ và 90 nam giới đóng vai trò lãnh đạo cấp cao toàn thời gian trong các cơ quan của Liên hợp quốc. Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này đang nỗ lực để đạt được bình đẳng giới ở các cấp, bởi chính sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ đã khiến nhiều cơ quan của Liên hợp quốc vận hành hiệu quả hơn, đặc biệt trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Liên hợp quốc hiện đang nỗ lực xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, gồm cả thông qua quan hệ đối tác với Liên minh châu Âu và Sáng kiến tâm điểm (Spotlight Initiative).

“Chúng ta cần những sự thay đổi mang tính chất biến đổi và do phụ nữ đóng vai trò tiên phong đối với những cấu trúc và khuôn khổ không hoàn chỉnh đã bị phơi bày bởi đại dịch COVID-19…Đây chính là con đường duy nhất giúp chúng ta thực thi đầy đủ Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững năm 2030 và đạt được mục tiêu xây dựng nên một cuộc sống mang lại phẩm giá và cơ hội cho tất cả mọi người” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Những kết quả đạt được trong mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới: Nhiều nhưng chưa đủ

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, ông Volkan Bozkir  khẳng định không có gì mà phụ nữ không làm được. (Ảnh: Xinhua)

Không thể phủ nhận được một thực tế rằng, kể từ sau Hội nghị Thế giới về Phụ nữ ở Bắc Kinh năm 1995, chúng ta đã đạt được nhiều mục tiêu bình đẳng giới. Nếu như trong năm 1995, số phụ nữ giữ vai trò là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước trên thế giới mới chỉ dừng lại ở con số 12 thì cho đến nay, con số đó là 22. Tỷ lệ tử vong của thai phụ đã giảm gần 40% trong giai đoạn này. Ngày càng có nhiều trẻ em gái được tới trường và phụ nữ cũng đang tham gia nhiều hơn vào các tiến trình hòa bình trên thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc điều hành UN Women – bà Phumzile Mlambo - Ngcuka thì những kết quả trên vẫn là chưa đủ và đang được thực hiện một cách chậm chạp. Bên cạnh đó, bà Mlambo-Ngcuka đã nhấn mạnh vai trò lãnh đạo cần thiết của phụ nữ, gồm cả những phụ nữ trẻ tuổi trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch. Bà Mlambo - Ngcuka cho rằng, mọi người trên thế giới đang yêu cầu những sự thay đổi và đã đến lúc chúng ta hành động để thay đổi tiến trình lịch sử đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 34 – những người ngày càng có xu hướng sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực hơn so với nam giới.

“Đã tới lúc chấm dứt những bộ luật, chuẩn mực mang tính chất phân biệt đối xử và kỳ thị người đồng tính, chấm dứt các hành vi bạo lực của nam giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời phối hợp các nỗ lực để đặt phụ nữ vào vị trí trung tâm của công lý” – bà Mlambo - Ngcuka nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ, bà Hilary Gbedemah lại nêu rõ, các mục tiêu phát triển bền vững sẽ không thể trở thành hiện thực nếu thiếu vắng vai trò tham gia bình đẳng của phụ nữ trong quá trình lãnh đạo và đưa ra quyết định. Từ lập luận trên, bà Hilary Gbedemah thúc giục các quốc gia “nắm bắt thời điểm này trong lịch sử” và xem đây như một cơ hội để áp dụng các chiến lược chuyển đổi dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử và đoàn kết để đạt được bình đẳng giới cũng như mục tiêu trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Giám đốc điều hành Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), bà Natalia Kanem khẳng định, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái là điều “không thể mang ra đàm phán”, để từ đó kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cần “tăng tốc” hành động và đầu tư trong vấn đề này. Theo quan điểm của bà Kamen, đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái không chỉ đơn thuần là một vấn đề về quyền lợi, mà đó còn là mục tiêu hướng tới một nền kinh tế thông minh, mang lại cho xã hội những lợi ích lớn hơn gấp nhiều lần chi phí bỏ ra.

Nhân sự kiện này, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, ông Volkan Bozkir kêu gọi “mọi người ở khắp mọi nơi” cần ngay lập tức hành động nhân danh phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới để mang lại những kết quả to lớn. Bên cạnh đó, ông Bozkir cũng hối thúc việc đưa ra những cam kết ở cấp độ cao nhất liên quan tới giáo dục trẻ em gái, mở ra cơ hội kinh tế bình đẳng cho phụ nữ và chấm dứt bạo lực giới. Ông kêu gọi các nước thay đổi “lối mòn” để xây dựng nên một thế giới công bằng hơn.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 kêu gọi các trẻ em gái trên toàn thế giới, gồm cả những người cháu gái của ông, cần nhận thức rõ một điều rằng “không có gì mà phụ nữ không làm được”. Ông khuyến khích mọi trẻ em gái trên thế giới “dám trở thành người đầu tiên và dám làm những điều mà chưa một người phụ nữ nào từng thực hiện trước đó”./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực