|
|
Cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 giữa hai ông Putin và D.Trump, tháng 6/2019. (Ảnh: TASS) |
Mối quan hệ của hai cựu thù chiến tranh Lạnh này được dự báo là “sẽ khó hàn gắn trong tương lai gần” và tiếp tục trở thành một chủ đề hâm nóng cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm tới.
Về lĩnh vực kiểm soát vũ khí
Một minh chứng nổi bật cho mối quan hệ “không cơm lành canh ngọt” giữa Nga-Mỹ trong năm 2019 là việc hai bên đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) – “một hòn đá tảng” trong kiểm soát vũ khí giữa hai cường quốc vốn luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.
Sau sự đổ vỡ của INF, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) hiện đóng vai trò là công cụ pháp lý cuối cùng giới hạn tiềm năng tên lửa hạt nhân và đảm bảo “tính chất có thể đoán định” trong phạm trù kiểm soát vũ khí giữa hai cường quốc.
Nếu không được gia hạn, START mới sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Song cho tới nay, Mỹ vẫn chưa hồi đáp trước đề xuất của Nga. Phát biểu trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng cấp cao của Nga vào tháng 12/2019, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Moscow sẵn sàng hợp tác hướng tới các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, song đồng thời vẫn tiếp tục tăng cường sức mạnh các lực lượng hạt nhân để bảo đảm năng lực răn đe phù hợp.
Về tình hình Trung Đông
Năm 2019, Nga đã triển khai hai lô hệ thống tên lửa phòng không tối tân bậc nhất của nước này – được mệnh danh là “rồng lửa” S-400 tới một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp những phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ.
Sau khi Mỹ loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 nhằm gây sức ép với Ankara trước ý định mua S-400 do Nga sản xuất, Moscow đã tỏ ý sẵn sàng bán chiến đấu cơ Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu được nước thành viên NATO này đề xuất.
Trên tinh thần một thỏa thuận đạt được vào tháng 10/2019, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra chung tại phía Bắc Syria. Đây cũng là khu vực Nga đã triển khai trực thăng theo cơ chế thường trực để hỗ trợ cho sứ mệnh tuần tra chung. Nga lên tiếng cáo buộc quân đội Mỹ tại Syria đã có hành vi cướp phá khi thực thi nhiệm vụ tại quốc gia Trung Đông này.
Về vấn đề hạt nhân Iran, vào tháng 11/2019, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định việc Mỹ theo đuổi chính sách đối đầu với Iran là một động thái “mang tính hủy diệt và có tầm nhìn thiển cận”. Nguy cơ đổ vỡ của bản thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 (hay còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA) chính là hệ lụy từ việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018.
Về tình hình Mỹ Latinh
Trong năm 2019, Nga đã duy trì mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ Venezuela là Cuba – vốn bị Mỹ xem là “những cái gai” trong khu vực.
Trong cuộc gặp gỡ người đồng nhiệm Venezuela Nicolas Maduro tại điện Kremlin vào tháng 9/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với ông Maduro, cũng như việc khởi động đối thoại để giải quyết bất đồng giữa chính phủ và phe đối lập tại Venezuela.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow sẽ tôn trọng các nghĩa vụ liên quan tới việc duy trì các thiết bị quân sự, cung cấp phụ tùng và các trung tâm hỗ trợ dịch vụ tại Venezuela. Trong thời gian tới, Nga có thể sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho các dự án khai thác mỏ tại quốc gia Mỹ Latinh này.
Ngoài Venezuela, Nga cũng duy trì các cam kết thúc đẩy hợp tác với Cuba – một nước đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ tại Mỹ Latinh. Tháng 10/2019, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tới thăm Cuba và ngay trong tháng đó, Moscow cũng đón chào chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel.
Phát biểu từ Havana, ngày 3/10, Thủ tướng Medvedev đã lên án việc Mỹ siết chặt các biện pháp cấm vận nhằm vào Cuba trong hơn nửa thế kỷ qua. Điều này không chỉ tạo ra “một môi trường độc hại”, cản trở việc hợp tác với Cuba mà gây tâm lý hoang mang trong giới đầu tư.
Trong khuôn khổ các vồng đối thoại với ông Diaz-Canel ở thăm vào cuối tháng 10/2019, Tổng thống Putin nêu rõ lập trường của hai nước nhằm ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định thêm rằng, Moscow hiểu rất rõ vị trí độc lập cũng như chính sách về chủ quyền của Havana.
Khi trả lời hãng thông tấn TASS cách đây ít lâu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhận định rằng, việc Mỹ theo đuổi nỗ lực nhằm “tái định hình” khu vực Mỹ Latinh là một động thái nhằm thích ứng với những lợi ích về địa chính trị mà nước này đang theo đuổi.
Và cuộc chiến khí đốt ở châu Âu
Đầu tháng 12/2019, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020, gồm việc áp đặt lệnh trừng phạt lên dự án “Dòng chảy phương Bắc – 2”, được thiết kế để dẫn trung bình mỗi năm 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga sang các nước châu Âu theo một tuyến đường ống nằm dưới biển Baltic.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, các biện pháp gây sức ép này của Mỹ sẽ không thể cản trở việc hoàn tất tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc – 2”. Nga không những xem các lệnh trừng phạt của Mỹ là một hành vi “vi phạm luật pháp quốc tế” mà còn cho đây là một minh chứng cho lối cạnh tranh không lành mạnh.
Về phía Tổng thống Mỹ D.Trump đã lên tiếng chỉ trích dự án “Dòng chảy phương Bắc – 2” vì cho rằng điều này sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga. Trong khi đó, Nga cũng bác bỏ lập luận trên của người đứng đầu Nhà Trắng, đồng thời xem việc Mỹ có hành vi cản trở dự án “Dòng chảy phương Bắc – 2” là một động thái nhằm thúc đẩy các hoạt động bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng giá cao của Mỹ sang thị trường châu Âu.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Đức vào tháng 12/2019, Tổng thống Vladimir Putin tin tưởng rằng, dự án “Dòng chảy phương Bắc -2” sẽ tăng cường năng lực đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các nước châu Âu và thắt chặt an ninh năng lượng cho “lục địa già”.
Trong gần 30 năm qua, việc đưa ra một chính sách bền vững trong mối quan hệ với Nga luôn trở thành một “bài toán khó” đối với nhiệm kỳ của các Tổng thống Mỹ. Cũng trong thời kỳ này, mối quan hệ Nga-Mỹ đã bị đẩy vào một “vòng tròn luẩn quẩn”, đó là khi một vị Tổng thống mới lên nắm quyền tại Mỹ đều tỏ ra “bất bình” với trạng thái của mối quan hệ với Nga trong thời điểm đó và cam kết sẽ hành động tốt hơn. Sau đó, một tiến trình rà soát chính sách sẽ được khởi động, nhằm mục tiêu “cài đặt lại” hay thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Nga và Mỹ. Song rốt cuộc, mối quan hệ “nhiều nốt trầm hơn nốt thăng” này đều bị đẩy xuống mức thấp, thậm chí còn có thời điểm “chạm đáy” kể từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Việc thay đổi “quỹ đạo” trong mối quan hệ Nga-Mỹ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, với vị trí là hai nước lớn và có tiếng nói chi phối trong nhiều vấn đề quốc tế thì hai bên không thể cắt đứt “sợi dây neo” giữ mối quan hệ trong tầm kiểm soát, dù căng thẳng có leo thang tới mức nào đi chăng nữa.
Ngày 28/6, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp song phương để thảo luận về những vấn đề nóng trong quan hệ hai nước cũng như tình hình thế giới. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng việc cải thiện quan hệ song phương sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho Nga và Mỹ, mà còn cho cả thế giới. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề kiểm soát vũ khí.
Thực tế cho thấy, đối thoại để tìm được tiếng nói chung chính là con đường khả thi duy nhất để tháo gỡ bất đồng. Điều này không chỉ đúng trong giải quyết căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ mà còn là “công thức chung” cho nhiều vấn đề khác trên thế giới, như Tổng thống Putin đã từng nói “nếu không có đối thoại thì không thể tìm được sự đồng thuận”./.