Thứ ba, 10/12/2024 14:27 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Ngày 9/12, Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu Copernicus nhấn mạnh năm 2024 "chắc chắn" là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và là năm đầu tiên vượt ngưỡng nhiệt độ chuẩn 1,5 độ C, ngưỡng quan trọng để bảo vệ Trái Đất khỏi tình trạng quá nóng đến mức nguy hiểm.
|
Một khách du lịch sử dụng đài phun nước để giải nhiệt giữa đợt nắng nóng ở Sarajevo, Bosnia và Herzegovina, ngày 13/8/2024. (Ảnh: Reuters) |
Trong bản tin hằng tháng, Copernicus nêu rõ: “Tại thời điểm này, chắc chắn rằng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận”. Nắng nóng bất thường chưa từng có đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao trong giai đoạn từ tháng 1-11/2024. Hiện tượng này chắc chắn sẽ vượt qua mốc nhiệt cao kỷ lục ghi nhận vào năm 2023 và khiến 2024 trở thành năm nóng nhất từ trước tới nay. Các tính toán về khí hậu của Copernicus được đưa ra thông qua việc sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và hỗ trợ từ các trạm thời tiết.
Cũng theo Copernicus, căn cứ dữ liệu tạm thời về mức tăng gần 1,6 độ C, năm 2024 còn là năm dương lịch đầu tiên có nền nhiệt trung bình cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (từ năm 1850-1900) khi nhân loại bắt đầu sử dụng lượng lớn nhiên liệu hóa thạch.
Tuyên bố của Copernicus phản ánh một năm mà các nước giàu và nghèo đều phải hứng chịu nhiều thiên tai nghiêm trọng do biến đổi khí hậu xuất phát từ nguyên nhân con người. Nhà khoa học Julien Nicolas tại Copernicus nhận định năm 2025 sẽ bắt đầu với nhiệt độ toàn cầu “ở mức gần kỷ lục” và điều này có thể kéo dài trong vài tháng tới.
Theo nhận định của các nhà khoa học, giai đoạn mà chúng ta đang trải qua hiện nay có khả năng là giai đoạn ấm nhất của hành tinh trong 125.000 năm qua.
Tháng 11/2024 được xếp hạng là tháng ấm thứ hai được ghi nhận sau tháng 11/2023. Ngày 5/12, Cơ quan khí tượng của Bồ Đào Nha cho biết nước này đã trải qua tháng 11 nóng nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ không khí trung bình cao hơn 2,69 độ C (4,84 độ F) so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1981 - 2010.
Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt đã xảy ra trên khắp thế giới vào năm 2024, với hạn hán nghiêm trọng tấn công Italia và Nam Mỹ, lũ lụt chết người ở Nepal, Sudan và châu Âu, nắng nóng bất thường ở Mexico, Mali và Ả Rập Xê út khiến hàng nghìn người thiệt mạng, cùng những cơn bão thảm khốc ở Mỹ và Philippines. Các nghiên cứu khoa học mới đã xác nhận các hành vi của con người gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và có liên quan tới tất cả các thảm họa này./.
T.L (Theo aljazeera, Reuters)