25 năm Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông

Chủ nhật, 15/11/2020 09:18
(ĐCSVN) – Ngày 15/11/2020 đánh dấu tròn 25 năm Ngày thế giới lần đầu tiên tổ chức tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông trên toàn cầu.

Tai nạn giao thông là một trong những thảm họa mang tính toàn cầu, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới. Tai nạn giao thông gây ra những mất mát to lớn về con người, của cải và để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia. Theo Liên hợp quốc (LHQ), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người tử vong và khoảng 20 - 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông; tai nạn giao thông đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 5 – 44.

Hàng năm, ở nhiều quốc gia, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người, gây nhiều thiệt hại không thua kém các cuộc chiến tranh. Nỗi đau mất đi người thân vì tai nạn giao thông, ảnh hưởng tâm lý rất lâu dài và thậm chí còn là mãi mãi. Nhiều mảnh đời thương tâm do hậu quả của tai nạn giao thông để lại, nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm và xác nhận đầy đủ của cộng đồng. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, đau lòng và thương xót hơn nữa là rất nhiều trong số các nạn nhân của tai nạn giao thông là những người trẻ tuổi và một tỷ lệ tương đối lớn trong số các vụ tai nạn đó là có thể tránh được.

Trước thực trạng đó, ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” trên toàn cầu. Kể từ đó, ngày này được tổ chức ở nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Ngày kỷ niệm này đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông. Đây cũng là cơ hội nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do tai nạn giao thông gây ra, tưởng nhớ các nạn nhân của tai nạn giao thông và vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ.

leftcenterrightdel
Năm 2020 đánh dấu năm cuối cùng của Thập niên hành động vì
an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020 

Các tổn hại khôn lường do tai nạn giao thông gây ra

Các chấn thương do giao thông là một vấn đề y tế cộng đồng rất lớn và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Các chấn thương do tai nạn giao thông có nguy cơ làm chậm tiến bộ trong phát triển kinh tế và con người. Người ta ước tính rằng thiệt hại toàn cầu từ tai nạn giao thông lên đến 18 tỷ USD và tổn thất cho các chính phủ từ 1 – 3% GDP.

Đối với một số nước có thu nhập thấp và trung bình, sự mất mát vượt quá tổng số tiền viện trợ phát triển mà họ nhận được. Các vụ tai nạn là một gánh nặng lớn đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia do tác động trực tiếp của chúng đối với các dịch vụ y tế, dịch vụ phục hồi chức năng, cũng như các chi phí trực tiếp. Các vụ tai nạn giao thông cũng có thể gây áp lực đáng kể đối với các gia đình bị ảnh hưởng khi phải đối mặt với chi phí y tế và phục hồi chức năng, chi phí tang lễ và chưa kể đến việc mất đi nguồn thu nhập của nạn nhân cùng với những tổn thương về tâm lý, cảm xúc.

Có thể khẳng định rằng, tai nạn giao thông là sự việc không ai mong muốn và những hệ quả do tai nạn giao thông để lại là vô cùng thảm khốc, trong đó rất nhiều vụ tai nạn giao thông có thể phòng tránh được. Chính vì vậy, cùng với nỗ lực chung của toàn thế giới, mỗi quốc gia, mỗi tổ chức và mỗi cá nhân cần có những biện pháp tự bảo vệ và phòng tránh các tai nạn giao thông bằng những việc làm thiết thực. Xây dựng một cuộc sống an toàn và hạnh phúc hay chính là phát triển bền vững đã, đang và sẽ luôn là mục tiêu hướng tới của toàn nhân loại. Bên cạnh các cuộc đấu tranh chống nghèo đói, dịch bệnh, khủng bố, thì cuộc đấu tranh chống lại tai nạn giao thông cũng cần được xem là ưu tiên hàng đầu trong quyết sách của mỗi quốc gia.

leftcenterrightdel
Theo WHO, cứ 24 giây thế giới lại có thêm một nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ. (Video: WHO) 

Thập niên hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020

Tháng 3/2010, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết A/64/L.44 công bố: “Thập niên hành động vì sự an toàn đường bộ giai đoạn 2011-2020”. Nghị quyết này với sự tham gia của hơn 100 quốc gia khuyến cáo “Các nước thành viên tiếp tục tăng tường cam kết về an toàn đường bộ, kể cả việc tham dự hoặc tiến hành các hoạt động tưởng niệm nhân Ngày Thế giới Tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm”.

“Thập niên hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020”, chính thức được LHQ công bố vào ngày 11/5/2011, nêu ra các bước cần thực hiện nhằm tăng cường an toàn cho xe cộ, hạ tầng giao thông, củng cố hệ thống cấp cứu và xây dựng năng lực quản lý an toàn giao thông nói chung. Thập niên hành động vì an toàn giao thông với mục tiêu giảm 50% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Đồng thời, LHQ cũng lấy ngày 11/5 hàng năm là “Ngày toàn cầu hành động vì an toàn giao thông đường bộ”.

Kế hoạch toàn cầu cho “Thập niên hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020” cũng kêu gọi xây dựng và thực thi luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn, không uống rượu bia khi lái xe, không đi quá tốc độ cho phép. Để thực hiện thành công kế hoạch hành động, các nước cần ưu tiên trích một tỷ lệ của nguồn kinh phí này cho mục tiêu của Thập niên hành động.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” 2020 nhằm tưởng nhớ tất cả những nạn nhân tử vong và bị thương nghiêm trọng vì tai nạn giao thông; công nhận tầm quan trọng của các dịch vụ cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp; vận động hỗ trợ tích cực hơn cho các nạn nhân và gia đình bị ảnh hưởng do tai nạn giao thông đường bộ; thúc đẩy các hành động nhằm giảm thiểu và ngăn chặn các trường hợp tử vong và thương tích do giao thông đường bộ.

Năm 2020 cũng đánh dấu tròn 10 năm kể từ lần đầu tiên Liên đoàn nạn nhân giao thông đường bộ châu Âu (FEVR) và các nước thành viên tổ chức tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Ngày 15/11/2020, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng sẽ công bố các số liệu cuối cùng về tình hình giao thông đường bộ năm 2019. Theo EC, số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trên các tuyến đường thuộc Liên minh châu Âu (EU) giảm 3% so với năm 2018. Tuy nhiên năm 2019, EU vẫn ghi nhận 22.700 ca tử vong vì tai nạn giao và hơn 100.000 ca bị thương nghiêm trọng do tai nạn giao thông. Đây là lý do EC đang thực hiện các bước đi quan trọng, trong đó hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên cũng như các bên liên quan để đạt mục tiêu “Vision  Zero” (Tầm nhìn về không) - không có trường hợp tử vong và thương tích nghiêm trọng nào vào năm 2050, phù hợp với Khung Chính sách An toàn Đường bộ của EU trong giai đoạn 2021-2030.

Ủy viên châu Âu phụ trách vận tải, bà Adina Valean cho biết “Mục tiêu không có trường hợp tử vong và thương tích nghiêm trọng nào vào năm 2050 trên các tuyến đường ở châu Âu là những gì chúng tôi hướng đến và chúng tôi đang phấn đấu để giành được. Nhưng điều quan trọng nhất là phải hành động và có những biện pháp cụ thể để tiến nhanh hơn tới mục tiêu cuối cùng là không có người tử vong vì tai nạn giao thông. Chúng tôi đang làm việc tích cực với các quốc gia thành viên để xác định các biện pháp hiệu quả nhất nhằm học hỏi lẫn nhau trên tinh thần đối tác mang tính xây dựng”…

Cũng trong ngày này, EC cũng sẽ công bố báo cáo giám sát tiến độ của các quốc gia thành viên trong việc hướng tới mục tiêu giảm thiểu 50% số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trong năm 2020./.

 

 

Hoài Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực