Lực lượng an ninh triển khai ngay sau vụ tấn công tại New York. (Ảnh: AFP)
Mặc dù giới chức Mỹ cho biết chưa có bằng chứng cho thấy mối liên kết giữa 2 vụ nổ ở New York, New Jersey và một vụ tấn công bằng dao ở Minnesota trong cùng một ngày 17/9, song những lo sợ của người dân là không thể tránh khỏi khi liên tiếp xảy ra các vụ việc trong bối cảnh vừa diễn ra lễ tưởng niệm 15 năm các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, phiên họp lần thứ 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York với sự tham gia của nguyên thủ từ nhiều nước trên thế giới, và nước Mỹ đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho ngày bầu cử vào tháng 11 tới.
Hai trong số 3 vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời, khiến tổng số 38 người bị thương. Trong đó, 29 người đã bị thương trong vụ nổ lớn xảy ra tại khu vực Chelsea thuộc quận trung tâm Manhattan, thành phố New York, và 9 người bị thương khác trong vụ tấn công bằng dao tại một trung tâm thương mại của St. Cloud, thị trấn Minnesota nhỏ ở miền Trung Tây nước Mỹ. Quả bom phát nổ ở Manhattan vào khoảng 20h30 giờ địa phương (00h30 giờ GMT), trong khi các cuộc tấn công ở Minnesota xảy ra vào khoảng 20h00 giờ địa phương (01h00 giờ GMT).
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cảnh sát New York đã phát hiện thêm một thiết bị khác nghi là thiết bị nổ, làm bằng nồi áp suất giống như vụ đánh bom tại giải Marathon ở Boston, bang Massachussett hồi năm 2013, được đặt tại phố 27, giữa Đại lộ 6 và 7, cách địa điểm xảy ra vụ nổ ở Manhattan không xa.
Trước đó, một quả bom được lập trình sẵn đặt trong một thùng rác tại khu vực Seaside Park, ở bang New Jersey, cũng đã phát nổ. Theo các quan chức, vụ nổ này nhằm mục đích gây cản trở một cuộc chạy bộ của đơn vị lính thủy đánh bộ nhằm mục đích từ thiện. Không có ai bị thương trong vụ nổ ở New Jersey và 4 dãy phố lân cận đã bị phong tỏa trong gần một ngày.
Chưa hết, đến rạng sáng 19/9, cảnh sát bang New Jersey đã vô hiệu hóa thiết bị nổ trong chiếc ba-lô đặt gần một ga tàu hỏa ở thành phố Elizabeth. Cục Điều tra liên bang (FBI) viết trên Twitter rằng bên trong ba-lô là một “gói khả nghi với nhiều thiết bị gây nổ tự chế”. Theo thị trưởng thành phố Elizabeth Christian Bollwage, hai người đàn ông đã phát hiện ba-lô trong thùng rác bên cạnh một quán rượu cách ga tàu hỏa khoảng 150m. Các nhà chức trách đã không tìm thấy điện thoại hay thiết bị hẹn giờ bên trong chiếc ba-lô này.
Các nhà chức trách thận trọng, an ninh được tăng cường
Ngay sau khi xảy ra vụ nổ, thành phố New York của Mỹ đã triển khai số lượng nhân viên cảnh sát “lớn chưa từng có”. Phát biểu với báo chí ngày 17/9, thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio nêu rõ, các nhân viên cảnh sát sẽ có mặt tại các địa điểm công cộng trọng yếu quanh trụ sở của Liên hợp quốc và Quảng trường Thời đại để bảo đảm an ninh. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng tăng cường việc tìm kiếm các bưu kiện khả nghi và sử dụng chó nghiệp vụ rà soát bom tại hệ thống giao thông công cộng.
Đến trưa ngày 19/9, cảnh sát Mỹ thông báo bắt giữ Ahmad Khan Rahami, công dân Mỹ gốc Afghanistan hiện đang sống tại bang New Jersey, nghi ngờ là thủ phạm các vụ đánh bom tại New York và New Jersey cuối tuần trước. Rahami, 28 tuổi, bị cáo buộc 5 tội danh liên quan đến âm mưu sát hại các quan chức thực thi pháp luật, sở hữu vũ khí trái phép và sở hữu vũ khí vì mục đích trái phép. Nhà chức trách hiện đang tập trung điều tra khả năng Rahami có đồng bọn, cũng như động cơ gây án của đối tượng này.
Chiều cùng ngày, trong bài phát biểu khi đang tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người dân Mỹ bình tĩnh và khẳng định không để khủng bố gieo rắc sợ hãi.
Trong khi đó, Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã tuyên bố khẳng định: “Người tiến hành vụ tấn công bằng cách đâm dao ở Minnesota vào ngày 17/9 là một binh sĩ của tổ chức IS”.
Cho tới thời điểm hiện tại, cảnh sát Mỹ vẫn đang tiếp tục điều tra 3 vụ tấn công liên tiếp gồm 2 vụ nổ ở New York, New Jersey và một vụ tấn công bằng dao ở Minnesota trong cùng một ngày 17/9 vừa qua.
Cảnh sát được tăng cường tối đa tại New York. (Ảnh: AFP)
Vấn đề "khủng bố" bước vào chiến dịch tranh cử
Giống như nhiều nước châu Âu, trong những tháng gần đây, Mỹ đã liên tục chứng kiến nhiều vụ tấn công đẫm máu do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành. Tại Orlando, vụ tấn công xảy ra hồi tháng 6 do IS nhận trách nhiệm đã khiến 49 người thiệt mạng và vụ việc ở San Bernardino hồi tháng 12 năm ngoái cũng đã khiến 14 người thiệt mạng.
Trong bối cảnh đó, các vụ tấn công xảy ra cuối tuần qua không thể không làm dấy lên những xáo trộn về tâm lý đối với người dân Mỹ, đồng thời đặt vấn đề an ninh vào trung tâm chiến dịch tranh cử Tổng thống nước này. Đây chắc chắn là chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton và ứng viên của Đảng Cộng hòa là tỷ phú Donald Trump diễn ra vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Bên cạnh các chủ đề xoay quanh chính sách đối ngoại, biện pháp khôi phục kinh tế hay chính sách đối với người nhập cư thì các biện pháp bảo vệ nước Mỹ và chống khủng bố chắc chắn sẽ được các ứng cử viên đề cập tới và đây cũng có thể là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận Mỹ và có thể gây ảnh hưởng tới lá phiếu của họ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng nước Mỹ cần có thêm "thời gian và nguồn lực" để đối phó với mối đe dọa "sói đơn độc". Theo bà, cần "tăng cường thông tin tình báo" và "ngăn chặn việc tuyển mộ và truyền bá tư tưởng cực đoan trên mạng Internet".
Trong khi đó, tỷ phú bất động sản Donald Trump thì nhận định có thể có thêm các cuộc tấn công trong tương lai, đồng thời lên án cái mà ông cho là chính sách "yếu" của Mỹ là mở cửa cho hàng chục nghìn người nhập cư nước ngoài. Theo ông, nước Mỹ cần "siết rất chặt" việc nhập cư.
Tiếp sau đó, trả lời phỏng vấn báo giới ngày 19/9 tại New York, bà Clinton cáo buộc đối thủ Donald Trump đã kích động tư tưởng cực đoan, kích động hoạt động chiêu mộ những phần tử cực đoan cho tổ chức IS thông qua những phát biểu mang tính kỳ thị nhằm vào điều mà ông này gọi là "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan".
Đổi lại, ông Trump tuyên bố bà Clinton phải chịu một phần trách nhiệm trong các vụ tấn công trên lãnh thổ nước Mỹ do đã không thuyết phục Tổng thống Barack Obama duy trì một lực lượng lính Mỹ tại Iraq khi bà đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng trong khoảng thời gian từ 2009 – 2013. Theo ông Trump, đây là một trong những nguyên nhân đe dọa an ninh quốc gia Mỹ do không phòng ngừa nguy cơ từ trước./.