Người phát ngôn AEOI - ông Behrouz Kamalvandi khẳng định Iran có quyền chấm dứt thực hiện một số nghĩa vụ trong JCPOA nếu như các bên còn lại không giữ vững thỏa thuận. (Ảnh: theiranproject.com)
Tuyên bố của 3 nước trên nêu rõ: “Chúng tôi bác bỏ mọi tối hậu thư và sẽ đánh giá mức độ tuân thủ của Iran dựa trên sự thực hiện các cam kết liên quan tới lĩnh vực hạt nhân trong bản Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)… Xét trên khía cạnh này, chúng tôi kêu gọi vai trò chủ chốt từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm kiểm tra và xác minh mức độ tuân thủ của Iran trước các cam kết hạt nhân mà nước này đã đưa ra”.
Các nước trên bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc Iran tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết trong JCPOA, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục tuân thủ đầy đủ bản thỏa thuận hạt nhân vốn được xem là một thành tựu quan trọng của cấu trúc không phổ biến hạt nhân toàn cầu và mang lại lợi ích an ninh cho tất cả các bên. “Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ JCPOA như điều mà nước này đã làm cho tới tận bây giờ và kiềm chế trước mọi bước đi làm gia tăng căng thẳng” – tuyên bố viết.
Cũng trong tuyên bố, ba nước Anh, Đức, Pháp tái khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thỏa thuận liên quan tới việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm mang lại lợi ích cho người dân Iran. Qua đó, các nước trên bày tỏ sự tiếc nuối trước việc Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt chống lại Iran sau khi rút khỏi JCPOA vào năm ngoái.
Ngày 8/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) nhằm giới hạn các hoạt động phát triển hạt nhân của Iran để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tiếp theo sau quyết định trên, vào tháng 11/2018, Mỹ đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, gồm cả việc cấm các hoạt động giao dịch dầu mỏ của nước này.
Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran sẽ ngừng tuân thủ một số nghĩa vụ trong JCPOA, đồng thời sẽ nối lại các hoạt động làm giàu uranium và nâng cấp lò phản ứng Arak nếu như các bên liên quan không tôn trọng các cam kết đã đưa ra.
Cũng trong ngày 8/5, người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi đã viện dẫn tới điều khoản 26 trong JCPOA đề cập tới việc Iran có quyền chấm dứt thực hiện một số cam kết một cách “hoàn toàn và từng phần” nếu như các bên còn lại không giữ vững thỏa thuận. Theo quan điểm của ông Kamalvandi thì quyết định trên của Iran nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt chống Tehran. Ông Kamalvandi nêu rõ đây là một bước đi được tính toán kỹ, nhằm mục tiêu đưa JCPOA quay trở lại đúng quỹ đạo.
Cùng ngày, Tổng thống D.Trump đã có phản ứng tức thời bằng việc ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với hai ngành công nghiệp chủ chốt của Iran gồm lĩnh vực mỏ và kim loại.
Tuy nhiên, đến ngày 9/5, người đứng đầu Nhà Trắng lại tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các nhà lãnh đạo Iran về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/5, ông D.Trump nêu rõ: “Những gì mà Iran nên làm là đề nghị tôi cùng ngồi vào bàn đàm phán. Chúng ta có thể đưa ra một thỏa thuận công bằng. Điều mà chúng ta không muốn là việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”./.