Từ ngày 18/2 đến 3/3/2017, Tp Nha Trang (Khánh Hòa) là địa điểm tổ chức Hội nghị quan chức cao cấp lần 1
và các hội nghị liên quan (SOM1) (Ảnh: apec2017.vn)
Đảm nhận vai trò chủ tịch Năm APEC 2017, Việt Nam một lần nữa được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, đồng thời khẳng định Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á-Thái Bình Dương.
Đây còn là vinh dự và là trách nhiệm lớn lao đối với Việt Nam trong việc cùng các nền kinh tế thành viên nỗ lực làm cho Năm APEC 2017 ghi đậm dấu ấn trong tiến trình phát triển không ngừng của Diễn đàn APEC; góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác, hợp tác của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC, các doanh nghiệp và bạn bè trong khu vực và là hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia APEC (tháng 11/1998 - 11/2018).
APEC - Cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương
Ý tưởng về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooporation forum - gọi tắt là APEC), lần đầu tiên được thành lập ngày 6-11-1989 tại thủ đô Canberra của Australia. Đây là một trong những cơ chế hợp tác đầu tiên được hình thành tại khu vực nhằm góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế trong cục diện quốc tế và khu vực sau chiến tranh lạnh. Ý tưởng này được Australia khởi xướng, và được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, Nhật Bản cùng một số nước ASEAN.
Từ 12 thành viên sáng lập đến nay APEC có 21 nền kinh tế thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ và Việt Nam. APEC chiếm 39% dân số thế giới, 46% diện tích thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu.
APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc.
Mục tiêu hoạt động của APEC là, xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương năng động, gắn kết thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, hợp tác bảo đảm an ninh con người, và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.
Các cơ chế hoạt động của APEC bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh cao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành và Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM).
Bộ máy giúp việc gồm 4 Ủy ban, 13 nhóm công tác chuyên ngành, 4 nhóm đặc trách, 22 tiểu ban, nhóm chuyên gia, diễn đàn, đối thoại và đối tác chính sách, và Ban thư ký APEC hoạt động thường trực và đặt trụ sở tại Singapore.
Đến nay, APEC đã trải qua 24 kỳ Hội nghị Cấp cao; 28 kỳ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế; 22 Hội nghị Bộ trưởng Thương mại, 23 Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và 23 Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành về giáo dục, năng lượng, phát triển môi trường bền vững, tài chính, y tế, phát triển nguồn nhân lực, an ninh lương thực, biển, công nghệ và khoa học, cải cách cơ cấu, truyền thông và thông tin, giao thông vận tải, du lịch và phụ nữ…được tổ chức khi cần thiết.
Những kết quả hợp tác nổi bật
Từ 12 thành viên ban đầu, qua 4 lần mở rộng, đến nay APEC là diễn đàn rộng lớn gồm 28 thành viên.. Trải qua 28 năm hoạt động, APEC tluôn khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế có quy mô lớn nhất ở châu Á-Thái Bình Dương và là một trong những cơ chế hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất thế giới; đi đầu thúc đẩy kết nối, hội nhập kinh tế khu vực thông qua ba trụ cột chính gồm: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh và hợp tác kinh tế kỹ thuật.
Về tự do hóa thương mại và đầu tư: từ năm 1989 đến năm 2016, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng từ 15,7 nghìn tỷ USD lên hơn 30 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người tăng 36%. Tổng giá trị thương mại hàng hóa nội khối tăng gần 7 lần, từ 3.000 tỷ USD năm 1989 lên 20.000 tỷ USD năm 2016. Hiện kim ngạch mậu dịch của APEC chiếm 47% tổng kim ngạch mậu dịch thế giới, với ba thực thể kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Để duy trì vai trò và vị thế APEC, các nền kinh tế thành viên cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Sau 23 năm thực hiện các mục tiêu dài hạn của APEC được nêu rõ trong Tuyên bố Bogor năm 1994 của các nhà lãnh đạo về “Thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với thành viên APEC phát triển và năm 2020 đối với các thành viên APEC đang phát triển”, APEC đã đạt những kết quả đáng kể về tự do hóa thương mại và đầu tư. Thuận lợi hóa kinh doanh cũng ngày càng được đẩy mạnh và hiện được coi là giải pháp hiệu quả để phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Mức thuế trung bình trong khu vực đã giảm từ 17% năm 1989 xuống còn 5,6% năm 2015. Tính đến cuối năm 2016, 60 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết trong APEC.
Về thuận lợi hóa môi trường kinh doanh: APEC là diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về Danh mục chung về hàng hóa môi trường - vấn đề Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thúc đẩy hơn một thập niên qua, với 54 mặt hàng môi trường giảm thuế ở mức 5% trở xuống vào cuối năm 2016. APEC cũng đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và thuận lợi hóa kinh doanh với mục tiêu đưa hoạt động kinh doanh rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25%; thúc đẩy các biện pháp thương mại đầu tư “thế hệ mới” như tăng trưởng sáng tạo, chuỗi cung ứng đáng tin cậy…
Về hợp tác kinh tế - kỹ thuật: các hoạt động hợp tác kinh tế-kỹ thuật nhằm xây dựng năng lực và kỹ năng cho các thành viên APEC trên cấp độ cá nhân và thể chế, khuyến khích các nước thành viên tham gia đầy đủ và tích cực vào kinh tế khu vực.
Từ năm 1993, APEC đã triển khai khoảng 1.600 dự án khai trên các lĩnh vực, trong đó có liên kết kinh tế khu vực, an ninh con người, cải cách cơ cấu… Mỗi năm APEC hỗ trợ kinh phí cho 150 dự án hợp tác kinh tế kỹ thuật với tổng giá trị 23 triệu USD. APEC đã thiết lập mạng lưới gồm 46 Trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) tại 10 nền kinh tế thành viên.
Bên cạnh đó, để xây dựng các cộng đồng bền vững và có khả năng ứng phó cao, APEC sẽ tăng gấp đôi năng lượng tái tạo vào năm 2030 so với mức của năm 2010, cắt giảm phát thải khí nhà kính CO2 và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để ngăn ngừa thảm họa thiên tai. APEC cũng tăng cuờng an ninh năng lượng và lương thực, quản lý hiệu quả các mối đe dọa đối với sức khỏe, thực hiện Kế hoạch chi tiết về kết nối APEC và Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển APEC.
Để tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, APEC sẽ tiếp tục triển khai các bước hướng tới mục tiêu trao đổi 1 triệu sinh viên mỗi năm vào năm 2020. Các bước này bao gồm cấp học bổng, cung cấp các khóa đào tạo, khuyến khích phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, gia tăng đào tạo về dịch vụ tài chính, sử dụng Internet và mở rộng Hiệp định công nghệ thông tin cho phép người lao động có thể tiếp cận rộng rãi hơn với những sản phẩm hỗ trợ phát triển...
Năm 2017 được dự báo là một năm đầy thách thức đối với APEC khi mà tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới đang ở mức đáy trong vòng nhiều năm qua, liên kết kinh tế trên thế giới và ở châu Á – Thái Bình Dương phần nào chững lại bởi xu thế chống toàn cầu hóa, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và lo ngại về nới rộng bất bình đẳng giữa các khu vực, các quốc gia. Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm diễn ra các Hội nghị APEC, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh: “Trong tình hình đó, chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” mà nước ta đề xuất đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi và nhất trí cao của các thành viên APEC. Điều đó cho thấy chủ đề này đã đánh trúng quan tâm chung của các thành viên. Đó là nhu cầu cấp bách tìm kiếm những động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế và thương mại của APEC, thúc đẩy hợp tác APEC sâu rộng hơn, để APEC tiếp tục duy trì vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực”
Đó cũng là mong muốn chung về duy trì vai trò của Diễn đàn là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, đi đầu về ứng phó với các thách thức, góp phần xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Sau gần 28 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế có quy mô lớn nhất, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.