Tuân thủ kỷ luật khi thoát hiểm
Khi xem hình ảnh chiếc máy bay bốc cháy ngùn ngụt trên đường băng, chúng ta không khỏi thót tim khi nghĩ về số phận của những hành khách có mặt trên chuyến bay. Nhưng điều tuyệt vời là toàn bộ 379 người trên máy bay đã thoát hiểm an toàn.
|
Hình ảnh chiếc máy bay bốc cháy ngùn ngụt sau khi va chạm với một máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản chiều 3/1 (Ảnh: JIJI PRESS/AFP) |
Theo Đài truyền hình NHK của Nhật, Hãng hàng không Japan Airlines ngày 3/1 đã cung cấp thông tin chi tiết về cách phi hành đoàn sơ tán an toàn tất cả hành khách khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy trong vòng 18 phút.
Theo hãng hàng không này, chiếc Airbus A350 thực hiện chuyến bay 516 đến từ sân bay New Chitose ở Hokkaido, hạ cánh trên đường băng C vào khoảng 5h47 chiều, trước khi va chạm với một máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và bốc cháy. Máy bay trượt dọc theo đường băng khoảng 1 km trước khi dừng lại.
Phi công trong buồng lái không phát hiện ngọn lửa bùng phát, nhưng các tiếp viên nhận thấy máy bay đang bốc cháy. Lúc này, khói bắt đầu tràn ngập trong khoang máy bay, một số hành khách có biểu hiện hoảng sợ, la hét và cầu cứu. Các tiếp viên đã kêu gọi hành khách giữ bình tĩnh, hướng dẫn họ cúi người, dùng khẩu trang hoặc khăn bịt mũi và miệng, kêu gọi hợp tác trong lúc chờ máy bay dừng hẳn.
Sau khi được sự cho phép của buồng lái để mở lối thoát hiểm, các tiếp viên đã bắt đầu sơ tán hành khách. Có tám lối thoát hiểm trên máy bay. Tuy nhiên để an toàn trước đám cháy ở phía ngoài máy bay, các tiếp viên đã chủ động mở cửa sau bên trái để hành khách có thể trượt xuống lối thoát hiểm. Quyết định được đưa ra phù hợp với các thủ tục sơ tán hiện có. Cơ trưởng là người cuối cùng đặt chân xuống mặt đất từ máng thoát hiểm. Đó là lúc 6h05 chiều, 18 phút sau khi hạ cánh.
Giới chuyên gia nhận định, bên cạnh những yếu tố như độ bền của vật liệu chế tạo vỏ máy bay, kỳ tích trên là nhờ sự chuyên nghiệp của phi hành đoàn khi tìm cách giữ cho những người trên khoang bình tĩnh và sơ tán đúng cách.
Bên cạnh đó, điều đáng chú ý là trong suốt quá trình thoát hiểm, toàn bộ hành khách đều không mang theo hành lý xách tay - một hoạt động được ca ngợi là "phép màu" khi đứng giữa ranh giới sinh tử. “Tôi chỉ có thể nói rằng đây là một điều thần kỳ. Chỉ chậm một chút nữa, tất cả chúng tôi có lẽ đã mất mạng", đó là chia sẻ của một hành khách trên chuyến bay sau khi được cứu sống.
Sơ tán là ưu tiên quan trọng hàng đầu
Theo hãng Reuters, vụ cháy máy bay tại Nhật Bản ngày 3/1 một lần nữa khẳng định việc sơ tán là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo an toàn cho những người có mặt trên máy bay khi gặp sự cố. Điều này được khẳng định qua nhiều vụ việc trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
|
Video ghi lại vụ máy bay bốc cháy tại sân bay Haneda, Nhật Bản ngày 3/1/2023 (Nguồn: Telegraph) |
Vào năm 1985, chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Airtours bốc cháy tại sân bay Manchester ở Anh, khiến 55 người thiệt mạng. Các nhà điều tra thảm họa năm 1985 cho biết nguyên nhân lớn nhất gây tử vong là do hành khách bị ngạt khói sau khi cửa mở tàu bay bị chậm trễ và lối thoát hiểm bị hạn chế.
Một nghiên cứu về an toàn của Hoa Kỳ năm 2000 cho biết, trung bình cứ 11 ngày lại có một chuyến bay phải sơ tán vì một lí do nào đó. Những sự việc như vậy thường gây chú ý khi có hỏa hoạn, điều đó dẫn đến cải tiến cần thiết về cơ chế cửa và hệ thống chiếu sáng khẩn cấp tiêu chuẩn của máy bay.
Tuy nhiên, những thách thức mới đang nảy sinh từ số lượng hành lý mà hành khách được phép mang lên máy bay. Trước khi máy bay cất cánh, tiếp viên hàng luôn có những hướng dẫn về các quy tắc an toàn trên máy bay, trong đó có việc kêu gọi hành khách bỏ lại những đồ đạc đó khi được lệnh sơ tán. Nhưng khi gặp hoả hoạn, hầu hết hành khách vẫn bỏ qua lời dặn dò này.
Năm 2016, một video cho thấy hành khách đã chặn lối thoát hiểm và lấy túi xách từ ngăn để đồ trên đầu khi cabin của một chiếc máy bay Emirates tràn ngập khói ở Dubai. Phi hành đoàn sau đó đã được khen ngợi khi sơ tán được toàn bộ 300 người, bất chấp tình trạng hoảng loạn đã xảy ra.
Cho đến năm 2018, Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh đã khuyến nghị việc tự động khóa các ngăn đựng đồ trên cao sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp.
Steve Creamer - nhà tư vấn an toàn hàng không và cựu giám đốc cấp cao của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết: "Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong trường hợp xảy ra thảm hoạ khi hành khách không màng tới hành lý xách tay. Từ vụ cháy mới nhất ở Nhật Bản, việc hành khách sơ tán an toàn thể hiện kỹ năng chuyên nghiệp của tổ bay và tính kỷ luật của những người trên máy bay”.
Trong một tuyên bố chiều 3/1, giới chức hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản khẳng định chính việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình khẩn cấp đã giúp cứu sống toàn bộ hành khách. Tuy nhiên, 5 trong số 6 thành viên phi hành đoàn trên máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã thiệt mạng. Đây là điều đáng tiếc nhất đã xảy ra trong vụ cháy máy bay ở Nhật Bản ngày hôm qua./.