Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 658.926 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là 70.898 ca và 897 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 31.237.951 ca và 566.226 ca.
|
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một cơ sở y tế ở bang Sao Paulo, Brazil.
(Ảnh: AFP/Getty Images)
|
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca mắc với 12.839.844 ca và số ca tử vong là 325.284. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 86.586 ca nhiễm mới. Brazil mới đây đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tương tự biến thể ở Nam Phi, mặc dù bệnh nhân nhiễm chủng mới này chưa đi du lịch hay tiếp xúc với du khách đến từ quốc gia châu Phi. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng đây là loại biến thể phát triển từ chính chủng P1 được phát hiện tại Brazil trước đó. Hiện Brazil đang trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất với số ca tử vong chiếm khoảng 25% trên toàn thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Đứng thứ ba thế giới là về số ca mắc là Ấn Độ với 12.302.110 ca nhiễm, trong khi đó Mexico trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ ba thế giới với 203.210 ca.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (39.858.798 ca). Với 35.960.288 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 28.689.130 ca và Nam Mỹ với 21.293.329 ca. Châu Phi (4.262.494 ca) và châu Đại Dương (57.186 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại châu Âu, Pháp là quốc gia dẫn đầu về số ca mắc COVID-19 với 4.695.082 ca, trong đó 95.976 ca đã tử vong. Trong ngày 1/4, nước này ghi nhận thêm 50.659 ca nhiễm mới.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ - quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Hiện Mexico ghi nhận 2.238.887 ca nhiễm, 203.210 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Colombia là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 2.417.826 ca nhiễm, trong đó 63.614 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm với 1.549.451 ca, trong đó 52.897 ca đã tử vong.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.319 ca, trong đó 909 ca đã tử vong.
Tại châu Á, Ấn Độ vẫn là nước ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở mức cao nhất khu vực với 12.302.110 ca, trong đó 163.428 ca tử vong.
Bối cảnh dịch bệnh tiếp tục phức tạp đã khiến nhiều quốc gia châu Á tăng cường các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch. Trong đó, Nhật Bản áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm từ ngày 5/4 tại 3 địa phương gồm Osaka, Hyogo và Miyagi. Các biện pháp cụ thể là giới hạn thời gian kinh doanh của các nhà hàng ăn uống tối đa đến 20 giờ, hạn chế sử dụng dịch vụ karaoke; hạn chế số người tham gia các sự kiện ở mức tối đa là 5.000 người; tăng cường làm việc từ xa. Quyết định được Chính phủ Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ tư.
Ở Đông Nam Á, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ban hành nghị định mới về các biện pháp phòng dịch, trong đó có một số hạn chế đối với người dân và hoạt động kinh doanh như lệnh giới nghiêm tại một số khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch. Tại thủ đô Phnom Penh, chính quyền đã ban bố lệnh giới nghiêm trong khung giờ từ 20h đến 5h sáng hôm sau, tạm ngừng hoạt động kinh doanh và tụ tập đông người trong thành phố, trong có cấm cả các hoạt động giao thông, trừ các dịch vụ thiết yếu và giao đồ thực phẩm. Quyết định có hiệu lực trong hai tuần từ 1/4-14/4 tới.
Trong thông báo ngày 1/4, quan chức hàng đầu Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah công bố 9 ca mắc biến thể mới từ Nam Phi trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2021. Hai trong số các ca liên quan biến thể mới là nhân viên của một công ty có trụ sở ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Hiện chưa xác định được nguồn lây của hai ca này. Tuy nhiên, ông Abdullah cho biết dường như 9 ca mắc biến thể mới có cùng nguồn lây. Hiện Malaysia ghi nhận hơn 340.000 ca mắc COVID-19 và 1.278 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này phát hiện 1.178 ca mắc mới, trong đó có 10 ca nhập cảnh. Số ca tử vong cũng tăng 6 ca.
Tại Indonesia, Bộ Y tế nước này ngày 1/4 xác nhận thêm 6.142 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 1.517.854 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng 196 ca lên 41.054 ca./.